Chị Lê Thị Nga (khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội) là nhân viên của một công ty truyền thông. Dẫu vậy, thi thoảng, những người hàng xóm lại thấy chị trong dáng vẻ của một người nông dân thực thụ.
Một tuần vài ba buổi, chị Nga lại xách cuốc, xô nước xuống chăm chút cho mảnh vườn nhỏ dưới sân chung cư.
Mảnh vườn tạm này hơn một năm qua đã cung ứng được khoảng 70% nhu cầu rau sạch của gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ của chị Nga.
Không chỉ có chị Nga, nhiều người hàng xóm trong chung cư cũng vì nỗi lo rau bẩn đã tranh thủ thời gian sau giờ làm xuống cải tạo những khu đất trống quanh đó để trồng rau.
Trong quá trình chăm bón, họ xách từng can nước từ trên các tầng cao xuống tưới cho rau. Một số thì mua nước của các hộ dân có nhà mặt đất gần đó để tiện vận chuyển.
Những khi trời mưa, họ tận dụng nước mưa đọng lại ở móng của các công trình lân cận chưa thi công hay trong các "ao mi ni" do quá trình đào bới, xây dựng tạo ra... để đảm bảo vườn rau phát triển tốt.
Sinh sống ở chung cư cao tầng nhưng chị Đặng Thị Hậu (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) lại có một vườn rau xanh tốt cách nhà khoảng 20km.
Chị Hậu cho biết, chị thuê một mảnh đất để trồng nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm làm đẹp hữu cơ. Trong khu đất này, chị dành một diện tích không nhỏ để trồng một số loại rau phục vụ bữa cơm gia đình.
"Trước tình trạng rau sạch, rau bẩn nhập nhèm như hiện nay, tôi phải chủ động tìm giải pháp cho bữa ăn gia đình", chị Hậu nói.
Ngoài tự khai hoang, thuê đất trồng làm vườn, nhiều người dân Thủ đô còn tận dụng các thùng xốp, hộp sơn để trồng rau.
Một buổi chiều, đang làm ở cơ quan nhưng nghe dự báo thời tiết có mưa, chị Nghiêm Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xin phép về sớm. Chị di chuyển thật nhanh qua quãng đường 7km về nhà để… dọn đất trồng cây.
Trước đó, hai vợ chồng chị dậy từ sớm đập được hơn 5 thùng sơn cỡ đại đất vụn.
Cả hai tính toán sẽ phơi ải mấy ngày trước khi cho đất vào thùng xốp trồng rau. Vì lo sợ cơn mưa lớn sẽ cuốn trôi hết số đất này nên chị tức tốc về nhà. Người phụ nữ này sau đó còn kịp che chắn cho mấy cây con đang ươm trước khi trời đổ mưa lớn.
Mọi công sức từ việc đập đất, phơi ải, chọn giống, ươm mầm… đều là để phục vụ mục tiêu trồng ra những thùng rau sạch phục vụ bữa ăn gia đình.
Chị Phương cho biết, chị thường trồng các loại rau mà gia đình yêu thích như rau muống, cà tím, mướp ta, mướp Nhật...
Anh Nguyễn Đức Khải (ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng tự nhận mình là một nông dân "chuyên nghiệp" giữa phố thị hơn 10 năm nay. Anh đã dành không ít công sức và tiền bạc (khoảng 200 triệu đồng) để đầu tư vào khu vườn rộng 130m2 trên sân thượng của gia đình.
Lý do là bởi anh nhận thấy tình trạng lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu để chăm bón rau quả ngày càng phức tạp. Nếu phó mặc số phận cho một số nông dân, tiểu thương bất chấp tất cả vì lợi nhuận, anh hoàn toàn không yên tâm.
Anh Khải cho biết, các loại rau anh trồng ra không được tươi non, xanh mướt như các loại rau ngoài chợ nhưng đảm bảo về chất lượng. Nhiều loại rau không tránh khỏi tình trạng sâu bệnh tấn công.
Tuy nhiên, anh tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu mà tự bắt sâu bằng tay hoặc dùng chế phẩm sinh học phun phòng. Anh cũng chăm bón rau bằng các loại phân vi sinh tự ủ từ đậu nành hoặc các loại lá rau già, vỏ củ quả…
Thị trường thực phẩm, rau, củ rất dồi dào và đa dạng. Tuy nhiên, để phân biệt được đâu là rau an toàn, rau sạch với rau củ còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rau được "tắm" các loại sâu thuốc kích thích, không đảm bảo sức khỏe… với mỗi người là không hề dễ dàng.
Trước thực trạng đó, nhiều người dân Thủ đô chỉ còn biết tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách làm "nông dân" tự trồng rau sạch.
Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều những vườn rau, luống rau, chậu rau được trồng trên sân thượng hay khu đất trống trong khu dân cư… Cách làm này dù mất công sức nhưng bù lại giúp các gia đình có nguồn rau yên tâm sử dụng.