Lâu nay, người dân nghèo ở Hà Giang đã quen thuộc với hình ảnh chàng thanh niên Đặng Xuân Hiếu (SN 1998) với gương mặt tuấn tú và nụ cười rạng rỡ lái chiếc xe cứu thương rong ruổi khắp các ngõ ngách để chở những bệnh nhân nặng chuyển tuyến hay những bệnh nhân bị bệnh viện trả về vì không còn khả năng cứu chữa. Điểm chung của những bệnh nhân được Hiếu giúp đỡ đều là những người nghèo ở tỉnh Hà Giang và những vùng lân cận.
Một ngày làm việc của Xuân Hiếu thường bắt đầu lúc nửa đêm có khi là từ 1h hoặc 2h sáng, vì những giờ đó các ca bệnh thường chuyển biến nặng.
Công việc chính của chàng trai trẻ này là trực xe cứu thương tại Am Vô Vi (xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, Hà Giang), 24/24 trực cố định, tiếp nhận thông tin từ bệnh viện đưa bệnh nhân nghèo về quê hoặc chuyển lên tuyến trung ương điều trị.
Cơ duyên đến với công việc tài xế xe cứu thương “không chuyên” của chàng trai trẻ hết sức tình cờ.
Hiếu chia sẻ: “Khi còn nhỏ, em cũng là một cậu bé mải chơi nên chỉ học lớp 6, em được mẹ gửi trong chùa (mẹ em cũng là một phật tử).
Năm 2014-2015, em được tham gia những chuyến thiện nguyện phát quần áo cho bà con dân nghèo tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi tận mắt thấy bà con vùng núi rạng rỡ, phấn khởi với những chiếc áo được tặng, em rất xúc động và tự nghĩ sau này mình nhất định sẽ làm gì đó giúp họ.
Năm 2018, được sự trợ duyên của các quý thầy trên chùa, hệ thống xe cứu thương 0 đồng đã được mở, địa điểm chính đặt tại Am Vô Vi (Hà Giang).
Hồi ấy sư ông gọi em đến và nói em hãy đi phát tâm làm công đức 3 năm phục vụ bà con dân nghèo. Em đồng ý ngay, chẳng do dự điều gì”.
Suốt hành trình gần 4 năm chạy xe cứu thương hỗ trợ bà con nghèo miễn phí, chàng trai 9X còn nhớ chuyến xe mình đích thân làm tài xế cách đây nửa năm.
“Bệnh nhân gọi đến Am Vô Vi và xin nhận giúp đỡ là một người dân tại Hà Giang nhưng bị tai nạn và mất tại Bắc Ninh, đã để trong nhà xác 2 ngày.
Khi vừa tiếp nhận thông tin, em mặc quần áo và lên đường ngay vì biết tất cả các trường hợp gọi đến Am Vô Vi là gấp lắm rồi.
Khi chở bệnh nhân lên tuyến trên và những bệnh nhân đã mất đương nhiên khó tránh khỏi những mùi khó chịu, nhưng việc đưa bệnh nhân đã qua đời 2 ngày lên xe nó rất khác. Lúc ấy em rất sợ, mùi tử khí phát ra toàn xe, em đã cố giữ mình để không nôn ọe ngay trong xe và kiên nhẫn với điều đó suốt 12 tiếng để đưa được người xấu số về đến nhà. Chuyến xe ấy em đi liên tục từ điểm tập kết xe xuống Bắc Ninh, rồi từ Bắc Ninh chở bệnh nhân về suốt 18 tiếng đồng hồ”, chàng trai 9X nhớ lại.
Hiếu bảo, những ca như thế thì "siêu mệt" vì dọc đường không được nghỉ, tất nhiên cũng không ăn được gì.
“Khi đưa được thi thể các bệnh nhân về nhà thì em cũng mất cảm giác với việc ăn uống luôn, phải thêm vài tiếng đồng hồ sau đó mới cân bằng lại được.
Cũng có những ngày em rất mệt mỏi vì mùi tử khí vây quanh trong nhiều chuyến xe liên tiếp.
Chở người đã qua đời về nhà trên những chuyến xe 0 đồng cũng có những áp lực vì chạy không ngừng nghỉ, xuyên đêm, thậm chí có những lúc chạy qua đồi núi mưa gió, vắng hiu chỉ có mình và người xấu số”, Hiếu hơi rùng mình khi nhớ lại những khoảnh khắc đó.
Kể về công việc mình làm gần 4 năm nay, chàng trai 9X không quên cảm ơn các thầy trên chùa vì cho mình nhân duyên được tạo việc phúc. Từ khi được giúp đỡ mọi người, cuộc đời chàng trai trẻ "thêm ý nghĩa hơn hẳn", nên hễ cứ có người gọi là Hiếu lên đường, bất kể sáng hay chiều, đêm hay ngày.
“Có những ca 1h sáng bệnh nhân qua đời, bác sĩ điện về cho cô điều hành xe của Am Vô Vi, cô gọi cho em ngay. Trên mỗi chuyến xe em đều chở theo 50kg gạo từ chum gạo nghĩa tình của Am Vô Vi, bởi vì sư ông biết những trường hợp này rất khó khăn, gia đình không có gì cả nên em mang gạo hỗ trợ họ”, Hiếu nói thêm.
Không nhớ nổi đã chở bao nhiêu bệnh nhân trên chuyến xe 0 đồng, có lẽ đến hàng nghìn người, có những trường hợp khiến Hiếu thực sự bị ám ảnh mà chàng trai trẻ có lẽ rất khó quên.
“Có một bệnh nhân không qua khỏi, nhà ở xã Du Tiến (huyện Yên Minh, Hà Giang), mẹ bị lưu thai mất cả mẹ cả con. Em chỉ đưa nạn nhân xấu số về gần đến nhà vì đường lên dốc cao quá, xe không qua được, thì người nhà cùng hàng xóm phải chạy xuống khiêng nạn nhân lên nhà.
Em rất ám ảnh hình ảnh 2 đứa trẻ con chạy theo xác mẹ nước mắt lưng tròng khóc mẹ. Em cũng từng chứng kiến nhiều cái chết đau thương, nhưng có lẽ hoàn cảnh những đứa trẻ mồ côi mẹ chỉ trong gang tấc đúng là đau đớn và nghiệt ngã quá”, Hiếu kể.
Đặng Xuân Hiếu chia sẻ thêm, hiện tại hệ thống xe cứu thương 0 đồng do các quý thầy phát duyên cùng phật tử gồm 5 xe: 2 xe được đặt tại Hà Nội chuyên chở bệnh nhân nghèo đã qua đời hoặc bệnh nhân nặng bệnh viện trả về do không còn cơ hội cứu chữa.
3 chiếc xe tiếp theo được đặt tại xã Tân Thành (huyện Bắc Quang, Hà Giang) xe chuyển tuyến các bệnh nhân nghèo, dân tộc thiểu số từ tuyến tỉnh về các bệnh viện trung ương tại Hà Nội điều trị, đưa các bệnh nhân không qua khỏi về quê nhà, phục vụ cấp cứu 24/24 trong phạm vi địa bàn.
Trải qua hành trình cầm lái trên những chuyến xe thiện nguyện 0 đồng, Hiếu cảm thấy cuộc sống có niềm vui khi được cống hiến và làm những việc có ý nghĩa. Với chàng trai trẻ, làm bất cứ việc gì, kể cả chở bệnh nhân nghèo cũng phải tâm huyết thực sự mới có thể làm được.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Hiếu cho biết đã từng học nghề sửa chữa điện thoại với thu nhập khá, nhưng hiện nay chưa nghĩ đến khi nào dừng công việc làm tài xế trên những chuyến xe 0 đồng giúp người nghèo, "còn duyên thì sẽ làm hết mình".
“Em luôn nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ tình người là còn mãi. Cuộc sống thật hạnh phúc khi ta được sống và làm những việc ý nghĩa, mọi sự sẻ chia trong lúc khó khăn là điều quý giá nhất trên đời. Nhờ những tâm niệm đó mà em có động lực cống hiến, không hề cảm thấy mệt mỏi trên hành trình giúp đỡ đồng bào nghèo vùng cao trên khắp mọi bản làng”, Hiếu bộc bạch.