Ngày 2/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).
Phát biểu tại sự kiện, PGS,TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng lý luận quan trọng để hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương soi rọi, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều thành tựu giá trị, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn; phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, hội nhập quốc tế vào văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
"Năm 2023 cũng là dịp Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhìn lại lịch sử và chặng đường 75 năm hình thành, phát triển, có phương hướng phát huy những giá trị, ý nghĩa của Đề cương để tiếp tục xây dựng nền văn học, nghệ thuật xứng tầm, đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của nhân dân", PGS,TS. Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm.
Nói về việc kế thừa, bổ sung của Đề cương về văn hoá Việt Nam hiện nay, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cần có sự quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết đã có của Đảng về văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung; đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc hỗ trợ, động viên, cổ vũ văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến. Bản thân văn nghệ sĩ hiện nay cần thấm đẫm và mở rộng nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng trong hoạt động sáng tạo.
Bên cạnh đó, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, để nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục có những đóng góp tương xứng với kỳ vọng của Đảng và nhân dân trong nỗ lực chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì việc tích cực thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là rất cần thiết. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục văn học, nghệ thuật trong môi trường gia đình, trường học, xã hội; vấn đề chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới cũng cần được chú trọng.
Nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho hay, sau 80 năm, Đề cương về Văn hoá Việt Nam đã khẳng định được tính đúng đắn, thời sự. Như Đề cương năm 1943 nói về khuynh hướng sáng tác lãng mạn, siêu thực, hay trừu tượng... bây giờ những khuynh hướng ấy đã tràn ngập trong những tác phẩm văn học, hội hoạ, âm nhạc, sân khấu, múa, kiến trúc... Nhiều tác phẩm văn học gần gũi với đời sống, phản ánh xã hội hiện đại.
"Đề cương về văn hoá Việt Nam có tính đại chúng hoá, nhất là việc phổ cập những giá trị văn hoá vào từng con người. Trong một đất nước độc lập, tự do, người dân phải được hưởng thụ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Các mục tiêu của Đề cương về văn hoá là cốt lõi, trụ cột là hoàn toàn chính xác", ông Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Theo Người Đưa Tin