Cách trung tâm huyện chưa đầy 3 cây số, bản Hổi Han, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu từng có nhiều năm bị cô lập. Mọi kết nối với bên ngoài của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào trời mưa hay nắng, thông qua con đường mòn độc đạo dọc ven suối. Bước ngoặt lớn xuất hiện khi cách đây 7 năm nhà nước đầu tư nâng cấp con đường thành bê tông, rồi nhóm tất cả các hộ rải rác trên sườn đồi về trung tâm sinh sống.
Trưởng bản Vàng Pó Xừ chia sẻ: “Từ lúc có đường này, bà con không phải đi bộ nhiều. Khi làm ra nông sản hay mọi thứ đều có thể lấy xe chở đi bán, rất thuận tiện cho bà con đi lại. Đường bê tông của bản nay cũng đã xuống cấp rồi, bà con muốn nâng cấp lại và làm rộng hơn để xe và người đi lại không gặp tai nạn, va quệt nữa”.
Mường Tè là huyện biên giới xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh miền núi Lai Châu. Hạ tầng giao thông là lĩnh vực được cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu. Ngoài 2 tuyến giao thông kết nối liên vùng là quốc lộ 4H, tỉnh lộ 127, Mường Tè cũng vừa hoàn thành tuyến vành đai biên giới Tá Pạ - Pa Ủ và toàn huyện hiện có hơn 600km đường giao thông nông thôn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Tè, do đặc thù vùng cao, địa hình chia cắt, chi phí đầu tư lớn, hạ tầng giao thông hiện có của địa phương mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản, nhưng so với trước kia đã là một bước đột phá lớn.
“Khi được đầu tư hệ thống giao thông đến các bản, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Tè đã được nâng lên rất rõ rệt. Bây giờ, các nông sản hoặc các sản phẩm của người dân đã được các tiểu thương đến tận nơi để thu mua, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tăng thu nhập cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện”.
Theo ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu, dù là một trong số địa phương khó khăn nhất cả nước, nhưng ở Lai Châu hiện nay 100% các xã đã có đường giao thông được cứng hóa phần mặt đến trung tâm; 98% thôn, bản có đường xe máy, thậm chí ô tô có thể di chuyển. Riêng năm 2022, ngành giao thông địa phương đã tập trung sửa chữa 14 tuyến đường lớn bảo đảm xe cộ lưu thông thông suốt.
“Sở Giao thông đã ưu tiên lựa chọn sửa chữa mặt đường, rồi nhựa hóa mặt đường đối với những tuyến trục chính huyết mạch, các tuyến có tính kết nối vùng, liên vùng. Đến nay, các trục quốc lộ và đường tỉnh đã có 100% được nhựa hóa mặt đường và được mở rộng mặt đường. Còn các tuyến đường huyện đến nay đã có trên 80% được nhựa hóa mặt và hiện nay tỉnh đang tiếp tục triển khai nhựa hóa phần đường còn lại”.
Trong tương lai không xa, các dự án giao thông lớn của Lai Châu sẽ được hình thành như tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Lai Châu; hầm đường bộ xuyên đèo Hoàng Liên; các tuyến kết nối với cửa khẩu… Hạ tầng giao thông được đồng bộ sẽ tạo thành hệ thống “mạch máu” thông suốt, tạo động lực mạnh mẽ để Lai Châu hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Theo VOV