76 lần hiến máu, 90 lần hiến tiểu cầu cứu người

Tạp Chí Nhân Đạo
24 năm đã đi qua, ông Nguyễn Văn Tác (50 tuổi) ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã hiến máu tình nguyện 76 lần, trở thành một trong những “kỷ lục gia” có số lần hiến máu nhiều nhất của TP.Cần Thơ. Đó là chưa kể ông đã hiến tiểu cầu trên 90 lần.

Kể về lý do chuyển sang hiến tiểu cầu, ông Tác cho biết: “Trước đây mỗi năm tôi chỉ hiến máu được 3 lần. Bây giờ chuyển sang hiến tiểu cầu mỗi tháng 2 lần, bình quân mỗi năm hiến được 24 lần. Càng hiến thì mình càng vui vậy thôi".

hien-mau
Anh Tác đang chuẩn bị xuất phát cùng chiếc xe chuyển bệnh.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm công tác từ thiện, từ tấm bé ông đã theo cha mình đi làm rất nhiều việc thiện tại quê nhà nói riêng, Cần Thơ, An Giang nói chung như: Nấu cơm, cháo, nước sôi miễn phí trong các bệnh viên; xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo; xây dựng cầu đường giao thông nông thôn...

Năm 1995, gia đình ông có người thân mắc bệnh phải chuyển đi bệnh viện tỉnh Cần Thơ trong đêm mưa nhưng lúc này không có máu truyền khẩn cấp và cũng không xe cấp cứu nên đã không cứu được bệnh nhân. Từ đó ông bắt đầu thực hiện tâm nguyện hiến máu cứu người.

Ông Tác còn vận động người thân, bạn bè, gia đình cùng tham gia hiến máu tạo nên khí thế rất sôi nổi trong phong trào hiến máu tại địa phương.

Nhiều người ban đầu e ngại nhưng được ông tuyên truyền, giải thích nên đã đồng tình tham gia và số lượng ngày một tăng lên đáng kể.

Ông Đặng Văn Giỏi, 58 tuổi, ngụ xã Trung Hưng nói vui: “Ban đầu tôi đâu có chịu hiến máu, hiến tiểu cầu bởi suy nghĩ lỡ hiến rồi không biết có ảnh hưởng tới sức khỏe gì không.

Sau đó ông Tác tới giải thích về ý nghĩa của vấn đề này nghe cũng có lý nên tôi làm thử, làm nhiều rồi “ghiền” luôn, tới kỳ không hiến khó chịu trong người lắm, tới nay tôi đã hiến máu trên 40 lần, hiến tiểu cầu được 25 lần rồi, thấy khỏe trong mình lắm. Tôi lại đi vận động người khác”.

24 năm làm chuyện nghĩa nhân, ông Tác và chiếc xe nhân ái của mình đã đi đến rất nhiều địa phương khắp cả nước như: Hà Nội, Quãng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TPHCM, các tỉnh ĐBSCL.

Không chỉ làm tốt việc hiến máu và lái xe nhân đạo miễn phí, hiện nay ô Tác còn là đội trưởng đội “Lái xe tình nguyện miễn phí xã Trung Hưng” với 20 lái xe thiện nguyện. Tất cả thành viên đều là tình nguyện viên hiến máu nhân đạo người ít nhất 20 lần, người nhiều nhất (ông Tác) đã 76 lần. Đáng nói hơn là 100% đội viên đều tham gia hiến tạng. 

Ông Đỗ Văn Quãng, Chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ khẳng định. “Đây là đội lái xe “đặc biệt” có một không hai tại TP Cần Thơ nói riêng, miền Tây nói chung với hơn 20 bác tài cùng chung mục đích sống cao đẹp, hết lòng phục vụ bệnh nhân nghèo. Chim đầu đàn đội lái xe này là anh Tác đó”.

Chưa dừng lại ở đó, đội tình nguyện do ông Tác điều hành đã vận động xây mới trên 30 cây cầu, xây dựng trên 30 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, giúp đỡ hàng chục trường hợp khác đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

anh-tac
Ông Tác đang chuẩn bị xuất phát cùng chiếc xe chuyển bệnh.

Khi chúng tôi đến tìm, rất may mắn khi chứng kiến anh Tác đang chỉ huy tất cả thành viên của đội lái xe đang xây dựng cây cầu bê tông kiên cố trị giá gần 500 triệu đồng nối liền 2 xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ) và xã Thạnh Lộc (huyện Vĩnh Thạnh).

Ông Tác kể rất vui: “Mấy mươi năm rồi, bà con 2 xã cứ bị nạn “qua sông thì phải lụy đò, con nít đi học trễ giờ như cơm bữa, thương lái tha hồ “ ép giá” với lý do vận chuyển khó khăn.

“Tất cả lái xe của chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng 24/24 giờ bất kể nắng, mưa, lũ, bão. Không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu tại xã mà còn sẵn sàng cơ động đến các quận, huyện, tỉnh lân cận như: Huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh; tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Có lúc chúng tôi phải “hành quân” đến tận Hà Nội, Thái Bình, Đà Nẵng, TPHCM….Cực là vậy nhưng không ai nhận một khoản bồi dưỡng nào và chưa có một ai xa rời nhiệm vụ nhân nghĩa này” - ông Tác nói.

Nhân nghĩa, chân chất, miệng nói, tay làm luôn sống vì mọi người và rất có duyên, bẽn lẽn khi kể về mình. Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được từ người nông dân “hai lúa” nhưng trở thành kiện tướng hiến máu trên đất Tây Đô.

Theo Lao động