Thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu xe tính trên 1.000 dân vẫn thấp xa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Giấc mơ xa xỉ
Theo các doanh nghiệp ôtô, Việt Nam hiện có tỷ lệ 23 xe/1.000 dân, thấp hơn hẳn so với các nước Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,... Với dân số trên 96 triệu người, tính ra cả nước chỉ có khoảng 2,5 triệu ôtô các loại. Còn theo các cơ quan chức năng, tổng số ôtô cả nước hiện tại vào khoảng 3 triệu chiếc.
Đây là con số quá nhỏ bé nếu so sánh với thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) có 6 triệu ôtô, hay khoảng 20 triệu ôtô tại Thái Lan. Nếu chỉ tính xe cá nhân (từ 9 chỗ ngồi trở xuống) chiếm 55% tổng số ôtô thì con số này còn thấp hơn nữa, mới chỉ khoảng 2% dân số có ôtô riêng.
Thu nhập thấp trong khi giá xe cao khiến đa số người dân không tiếp cận được với ôtô. GDP bình quân đầu người Việt Nam mới chỉ đạt 2.500 USD/người/năm, trong khi giá ôtô lại cao gấp 3-4 lần thế giới, vì vậy sở hữu ôtô là chuyện rất xa xỉ với nhiều người.
Thuế phí ôtô ở Việt Nam cao hàng đầu thế giới. Một chiếc ôtô phải chịu 3 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Chưa kể, các loại thuế này còn đánh chồng lên nhau, khiến giá xe cao ngất.
Cho đến nay, dù thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh kiện từ khu vực ASEAN về Việt Nam đã ưu đãi giảm còn 0%, thì tính ra, một chiếc xe dung tích xi lanh dưới 1.5L vẫn phải chịu gần 50% thuế trong giá bán. Ngoài ra, lệ phí trước bạ cũng là một khoản tiền lớn, chiếm từ 10-12% giá xe.
Với thu nhập bình quân của người Việt khoảng 2.500 USD/năm thì phải sau 7 năm không chi tiêu gì mới tích cóp đủ tiền mua một chiếc xe có giá tầm 400 triệu đồng.
Trong khi đó, một số quốc gia lân cận từ lâu đã khuyến khích người dân sử dụng ôtô. Chẳng hạn, Thái Lan có những chương trình kéo dài nhiều năm cho người dân vay vốn mua ôtô, được hỗ trợ lãi suất hay Indonesia thúc đẩy kế hoạch sản xuất ra những chiếc xe giá rẻ dưới 10.000 USD để tầng lớp bình dân có thể dễ dàng tiếp cận.
Trên thế giới từ lâu đã thừa nhận, có mối liên hệ giữa các gia đình với ngành công nghiệp ôtô. Tức là, các gia đình phải mua nhiều xe thì ngành công nghiệp ôtô mới có điều kiện để phát triển.
Chính vì vậy, nhiều nước muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô đều xây dựng chính sách khuyến khích người dân sử dụng. Việt Nam cũng mong muốn có ngành công nghiệp ôtô phát triển, nhưng lại đánh thuế cao sản phẩm này để hạn chế sử dụng.
Mâu thuẫn trong chính sách khiến ngành công nghiệp ôtô không phát triển suốt hàng chục năm qua, thị trường ôtô Việt Nam có quy mô nhỏ bé. Đến nay, sản xuất ôtô trong nước chỉ đạt 250.000 xe/năm, thấp xa so với 2 triệu xe của Thái Lan và 1,2 triệu xe của Indonesia.
Một chiếc ôtô có từ 20.000 cho tới trên 50.000 chi tiết, thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất như cơ khí, luyện kim, điện, điện tử, chất dẻo,... Khi ngành công nghiệp ôtô phát triển, sẽ tạo động lực và kéo theo sự phát triển của các ngành sản xuất này.
Ngành công nghiệp ôtô phát triển có thể đóng góp tới 10% GDP và tạo ra khoảng 10% trong tổng số việc làm của một quốc gia. Tại Việt Nam, dù ngành ôtô kém phát triển nhưng cũng đóng góp 3% GDP cả nước.
Hạn chế chính sách
Dự báo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương), cho thấy, quy mô thị trường ôtô đến năm 2025 có thể đạt 750.000-800.000 xe vào năm 2025 và từ 1,7 triệu đến 1,85 triệu xe vào năm 2035, căn cứ theo 3 yếu tố (quy mô dân số, thu nhập bình quân đầu người và số lượng xe bình quân trên 1.000 dân).
Dự báo đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 98,2 triệu người, đến năm 2025 đạt khoảng 101,1 triệu người và năm 2035 là 107,8 triệu người. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 3.000 USD/năm sau 2020 và 7.780 USD vào năm 2035.
Khi đó, tỷ lệ ôtô bình quân cũng tăng lên mức từ 50-100 xe/1.000 dân. Phải đạt tới 400 xe/1.000 dân mới tương đương với các quốc gia phát triển hiện nay.
Tuy thị trường lớn nhưng ngành công nghiệp ôtô không phát triển, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo tính toán, tới 2030 nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được, mỗi năm Việt Nam sẽ chi khoảng 12 tỷ USD và tới 2035 khoảng 20 tỷ USD để nhập khẩu ôtô.
Nhập siêu tăng mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Rất có thể sẽ phải có chính sách hạn chế nhập khẩu. Nếu vậy, giá xe khó giảm sẽ khiến nhiều người dân khó tiếp cận được với ôtô.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, chỉ khi nào ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển, tạo ra những chiếc xe có chất lượng tốt và giá cạnh tranh thì người dân mới được hưởng lợi và tỷ lệ sở hữu ôtô sẽ cao.
Chủ trương của Chính phủ hiện nay là phát triển công nghiệp ôtô trở thành ngành kinh tế chủ lực, đáp ứng nhu cầu người dân và hướng đến xuất khẩu. Nhưng điều này có làm được không?
Hiện tại sản xuất, lắp ráp xe trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi, hay hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và thị trường mở cửa hoàn toàn, nếu cứ lắp ráp như hiện nay, ngành công nghiệp ôtô chỉ có thể duy trì đến năm 2025. Sau thời điểm này, sẽ khó tồn tại.