6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 27,8 tỷ USD

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Chiều 28/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối 2022. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trị Hội nghị.

img-4606-1656465233976952892018-1656475412.jpg

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tốc độ tăng GDP của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2,7% - 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,2%; lâm nghiệp tăng khoảng 4,8%; thủy sản tăng khoảng 4,05%. Các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đạt được sự tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.

Đáng chú ý, việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã giúp Việt Nam có đến 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, nhóm mặt hàng cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Cụ thể, về sản lượng lúa, cả nước đã gieo cấy được khoảng 5,2 triệu ha lúa, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực (xoài, bưởi, dứa, vải, nhãn, chuối...) và các loại cây công nghiệp (hồ tiêu, cao su, điều...) đều tăng cả về diện tích và sản lượng.

Mặc dù giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến khai thác thủy sản, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được triển khai hiệu quả… đã tạo động lực góp phần đưa tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 4,2 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đã có sự tăng khá mạnh với mức 7,4%.

Ngành chăn nuôi đã thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi, phát triển mạnh theo hướng an toàn sinh học. Chất lượng con giống, nhất là giống lợn, gia cầm được kiểm soát tốt, nhờ đó đàn gia súc, gia cầm duy trì và phát triển (trừ đàn trâu giảm 1,4%). Tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,4 triệu tấn…

Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khoảng 22,1 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 5,75 tỷ USD.

Mục tiêu 6 tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8-3,0%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9-3,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 phấn đấu đạt khoảng 55 tỷ USD.

Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,5%; sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm trên 1,9 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản trên 8,7 triệu tấn. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4,0%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan, nhấn mạnh, hiện toàn ngành đang trong giai đoạn từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
"Đây không phải là khẩu hiệu mà cần phải thay đổi tư duy phát triển. Chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị không phải là câu chuyện nhất thời. Việc tăng giá trị, giảm chi phí không phải là vấn đề đối phó với tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao mà là chuyển động sang nền kinh tế nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào trong bất kỳ bối cảnh nào", Bộ trưởng nhấn mạnh.

PV