Từ ngày 1-1-2023, có nhiều quy định, hướng dẫn mới về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Giải quyết BHXH một lần xác thực qua online
Quyết định 3612/2022 của cơ quan BHXH Việt Nam về quy trình giải quyết hưởng BHXH một lần, áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số được tích hợp ứng dụng trên thiết bị di động có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
Theo đó, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm quy trình giải quyết hưởng BHXH một lần xác thực qua chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động.
Đối tượng áp dụng thí điểm là người hưởng BHXH một lần đã được cấp sổ BHXH.
Để áp dụng thí điểm xác thực qua chữ ký số trên thiết bị di động, NLĐ phải thực hiện năm bước sau:
Bước 1: Kê khai và nộp hồ sơ. NLĐ kê khai đầy đủ, chính xác thông tin theo Mẫu số 14A- HSB được cung cấp trên cổng dịch vụ công, thực hiện ký số vào Mẫu số 14A- HSB, đăng tải các hồ sơ điện tử hoặc dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân và nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Giải quyết và lập danh sách chi trả.
Bước 4: Chi trả. Việc chi trả được thực hiện bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản.
Bước 5: Trả kết quả giải quyết.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 135/2020 thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Theo đó, mỗi năm, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ.
Như vậy, từ ngày 1-1-2023 đối với lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường thì tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 9 tháng. Còn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 56 tuổi.
Chế độ hưu trí đối với người lao động dôi dư
Nghị định 97/2022 quy định chính sách đối với NLĐ dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 15-1-2023.
Trong đó, chính sách đối với NLĐ dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21-4-1998 hoặc trước ngày 26-4-2002 như sau:
Lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 1 - 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và được hưởng ba chế độ gồm:
Thứ nhất, không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;
Thứ hai, trợ cấp ba tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu;
Thứ ba, hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Đối với lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới một tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và hai chế độ gồm:
Thứ nhất, không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;
Thứ hai, được hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Đối với lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH bắt buộc tối đa sáu tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí…
Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế
Từ ngày 1-1-2023, Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, có hiệu lực. Tại khoản 1 điều 3, Nghị quyết 69 có nêu từ ngày 1-1-2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30-12- 2021 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Nghị quyết số 69 cũng nêu: Từ ngày 1- 7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;
Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo Pháp luật TP.HCM