37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

Nguyễn Thị Hương
Chiều 5/6, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức phiên họp cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý II/2023 tới các cơ quan báo chí.

Tại buổi họp báo, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và thế giới. Song với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thử thách, phối hợp chặt chẽ cấp, các ngành hoàn thành mục tiêu đề ra...

z4835288727913-a2058b66b444ebc2d6f568cdb3fd4bea-1698741714.jpgGiám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Lê Nguyên Bồng chia sẻ tại buổi họp báo.

Phát triển đối tượng tham gia

Theo báo cáo, đến hết tháng 5/2023, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với: khoảng 17,47 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,69 triệu người tham gia (tăng 4,43 triệu người so cùng kỳ năm 2022), đạt 91% dân số tham gia. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 178.772 tỷ đồng.

Mặc dù số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đều tăng nhưng việc giải quyết chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Kết quả, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết 26.014 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 547.989 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết 3.638.974 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết 376.023 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 368.028 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.995 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện tốt công tác giải quyết, chi trả chế độ, bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế cho 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tương ứng số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 47.466 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện xử lý nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế và kinh phí hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khó khăn vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các trang thiết bị này cơ bản được giải quyết.

Thông tin về tình hình thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Nguyên Bồng cho biết: Đề án 06 là thước đo của chuyển đổi số, nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất tích cực phối hợp Bộ Công an đưa các yêu cầu đề án 06 với ngành bảo hiểm xã hội và luôn hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao.

bhxh-tu-nguyen-1698741771.jpgNgành BHXH cương quyết không để chậm trễ trong việc thực hiện các chính sách.

Ngành thường xuyên rà soát, cắt giảm hồ sơ, thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện; 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ; đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ (trực tuyến, trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích) vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Trong đó kết quả, toàn quốc đã có 12.444 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 97,09% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc), với hơn 27 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hoàn thiện, bổ sung ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số , có hơn 28,8 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

Bảo đảm quyền lợi cho hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể

Trả lời báo chí về nội dung hơn 4.200 người thuộc các hộ kinh doanh có đóng bảo hiểm nhưng chưa có cơ chế hưởng lương hưu, lý giải về việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể ở nhiều địa phương, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ cho biết: Thời điểm đó, không có quy định nào của pháp luật bảo hiểm xã hội cho rằng họ không được đóng bảo hiểm. Hơn nữa, chủ hộ kinh doanh cá thể cũng có mong muốn chính đáng được tham gia vào lưới an sinh xã hội.

"Nếu nhìn nhận lại hơn 20 năm trước đây, cũng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về trường hợp chủ hộ kinh doanh cá thể", ông Thọ nói.

Chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, làm việc như những lao động thuê khác. Thời gian qua, họ đã chủ động đóng bảo hiểm xã hội, cho nên cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trên nguyên tắc đóng-hưởng.

Ngoài ra, ông Đỗ Ngọc Thọ cũng lấy thí dụ về trường hợp Chính phủ đã ban hành Nghị quyết ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho hơn 10.000 Xã đội phó, Phó trưởng công an xã, người lao động theo chế độ hợp đồng của xã...

Với trường hợp hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải quyết quyền lợi của nhóm đối tượng này bằng cách ghi nhận quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm thu hút các thành phần tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng thống nhất đề xuất đưa nhóm lao động này thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tới đây.

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng từ tháng 1/2003 đến tháng 12/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội tại nhiều địa phương đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với những trường hợp này.

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tại thời điểm tháng 9/2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đã gây bức xúc cho người dân...

PV