25 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, Ấn Độ phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Ngày 30/8, thế giới đã ghi nhận hơn 25,1 triệu ca mắc, trong đó có 845.531 ca tử vong do Covid-19.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với gần 187.000 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 6,1 triệu ca nhiễm bệnh. Ngày 29/8, Mỹ đã ghi nhận thêm gần 34.500 ca mắc Covid-19 mới.

https___s3-ap-northeast-1.amazonaws.com_psh-ex-ftnikkei-3937bb4_images_3_0_1_6_26886103-3-eng-GB_Cropped-158875785620200506 Dharavi Mumbai coronavirus RTX7EDE9
Ảnh minh họa

Brazil, tâm dịch lớn thứ hai thế giới, đã có tổng cộng trên 3,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 120.400 người đã không qua khỏi. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 32.200 trường hợp mắc mới trong 24 giờ qua.

Nga ghi nhận thêm 4.941 ca mắc và 111 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 985.346 trường hợp, trong đó 17.025 trường hợp tử vong. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rossiya 24 hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vaccine thứ hai phòng Covid-19 của nước này đã sẵn sàng để ra mắt vào tháng 9, hãng tin Sputnik đưa tin.

Còn tại châu Âu, cuộc chiến chống Covid-19 đang trải rộng từ bệnh viện ra khắp các đường phố. Ở giai đoạn bùng phát ban đầu, các nhân viên y tế nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến này.

Giờ đây, khi các nước châu Âu tìm cách tránh làn sóng thứ 2 kéo dài, chính phủ các nước đã phải huy động cả cảnh sát xuống đường phố. Một số quốc gia châu Âu đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm kỷ lục. Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã chứng kiến số ca mắc mới tăng đột biến.

Hy Lạp và Croatia, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi làn sóng đầu tiên, cũng đã chứng kiến số ca mắc tăng mạnh do lượng khách du lịch tăng nhanh trong tháng 8 khi châu Âu mở cửa biên giới nội bộ. Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp đã ban hành lệnh giới nghiêm và quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng, ngoài trời được áp dụng ở hầu hết các quốc gia EU. Cuộc chiến chống lại Covid-19, trong vài tuần qua ở châu Âu, đã trở thành một vấn đề của luật pháp và trật tự.

Italy ghi nhận thêm 1.444 trường hợp mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 266.853. Các quan chức y tế cho biết sự gia tăng các ca bệnh là do số lượng lớn người Italy trở về từ nước ngoài.

Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu với 455.621 ca mắc trong đó có 29.011 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn căng thẳng khi nước này có tới hơn 78.400 ca mắc Covid-19 mới trong ngày qua, mức cao kỷ lục trên thế giới. Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận trên 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh, trong đó hơn 63.600 bệnh nhân đã thiệt mạng vì dịch bệnh.

Chính phủ Ấn Độ trong ngày 29/8 đã công bố tài liệu hướng dẫn mới về nới lỏng các hạn chế giai đoạn 4, trong đó có việc nối lại có kiểm soát dịch vụ tàu điện ngầm từ ngày 7/9. Đây là một phần trong nỗ lực của New Delhi nhằm khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế.

Hàn Quốc đang phải chịu làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trong tháng 8 sau khi một ổ dịch tại nhà thờ lan rộng sang một cuộc tuần hành chính trị ở thủ đô Seoul, với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng quá tải trong các bệnh viện. Tại Seoul và vùng phụ cận, các bệnh viện chỉ sẵn có 4,5% giường bệnh cho các trường hợp nguy kịch tính đến ngày 26/8, giảm 22% so với một tuần trước đó. Nước này ghi nhận 19.400 ca mắc, trong đó có 321 ca tử vong.

Khu vực Đông Nam Á, Philipines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 213.131 ca sau khi ghi nhận thêm 3.637 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.  

Hiện đang xảy ra tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong gia đình và giữa các gia đình với nhau, buộc Bộ Y tế Philippines phải xem xét lại các chiến lược phòng dịch. Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 2 với 169.195 ca mắc và 7.261 ca tử vong.

Quang Minh (t/h)