Sáng 9-11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) về tình hình triển khai thực hiện đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Huỳnh Ngọc Hớn - phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - cho biết tháng 6-2021, bệnh viện chuyển đổi hoàn toàn công năng sang điều trị COVID-19. Chỉ trong ba ngày, toàn bộ nhân viên, cơ sở vật chất của bệnh viện chuyển qua điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
"Tính đến tháng 10-2022, bệnh viện có 138 nhân viên nghỉ việc, đau lòng nhất là có 53 điều dưỡng. Các đơn điều dưỡng nghỉ việc nộp lên đa phần ghi là do thu nhập không đủ sống, đặc biệt là những người phải thuê nhà. Khi lực lượng điều dưỡng này nghỉ, gánh nặng lại đè lên vai các điều dưỡng ở lại nên con số nghỉ việc càng về sau càng tăng.
Thậm chí, chúng tôi đề xuất Sở Y tế kéo dài thời gian sử dụng điều dưỡng trung cấp nhưng vẫn tìm không ra người. Bệnh viện còn đăng tuyển điều dưỡng tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Tháp. Trong 1-3 tháng đầu, nếu các bạn chưa tìm được chỗ ở, bệnh viện sẽ bố trí luôn chỗ ở trong bệnh viện nhưng vẫn không có", ông Hớn chia sẻ.
Ông Hớn cho biết đối với việc thực hiện đề án y tế thông minh, năm 2014 UBND TP đã cấp kinh phí cho Bệnh viện Trưng Vương để đầu tư nâng cấp hạ tầng, tuy nhiên đến nay hầu hết các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị cho bệnh viện đã khấu hao, không đồng bộ, làm cho hệ thống phân mảnh, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị.
Bệnh viện đã đề xuất tính cơ cấu giá công nghệ thông tin vào giá viện phí. Được chuyển chi phí in, lưu trữ bệnh án giấy, in phim sang chi phí đầu tư công nghệ thông tin. Các bệnh viện nên hợp tác đầu tư về công nghệ thông tin, chia sẻ nguồn tài nguyên, dữ liệu để tránh lãng phí, dữ liệu trùng lắp...
Bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương - cho biết trong đợt dịch COVID-19, bệnh viện chuyển sang điều trị COVID-19. Nói COVID-19 tàn phá người bệnh là chưa đủ mà còn tàn phá luôn cơ sở vật chất của bệnh viện điều trị.
"Tất cả thiết bị phải có thời gian phục hồi, bảo hành một tuần, một tháng. Trong mùa dịch cứ có một người tử vong phải phun xịt các khoa. Số lượng tử vong như vậy, quần áo các bác sĩ đầy thuốc phun. Máy vi tính, máy lạnh, máy thở... hư hao rất nhanh nhưng hiện nay vẫn chưa có kinh phí để mua sắm máy mới.
Hiện giờ bệnh viện đã hoạt động trở lại bình thường nhưng cơ sở vật chất bị “rỗng ruột”. Tiền không có để mua sắm lại và cứ chắp vá máy này sang máy kia. Máy tính hư không chuyển dữ liệu lên được, lạc dữ liệu, không có phim X-quang chậm cho người bệnh nên nhiều bác sĩ hỏi tôi đoán bệnh dùng thuốc kháng sinh được không, nghe rất đau lòng. Theo đó, nhân viên y tế thực sự không chết được nhưng thiệt thòi cuối cùng trút lên hết người bệnh", bác sĩ Tuấn nói.
Các đại biểu trong cuộc giám sát đã bày tỏ sự cảm thông với nhân viên y tế bệnh viện Trưng Vương, vì đây là bệnh viện chuyển đổi công năng hoàn toàn điều trị COVID-19 đầu tiên của TP.HCM và sau dịch, bệnh viện gặp khó khăn, nhân viên y tế nghỉ việc. Bệnh viện đã vượt khó để cấp cứu bệnh nhân và giờ thì vượt khó để cứu mình và không biết bệnh viện chịu đựng được bao lâu.
Do đó, các đại biểu đề nghị các sở, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ cho bệnh viện để giải quyết các khó khăn trong năm 2022 và thời gian tới như: xây dựng bệnh viện, CN-TT, thu nhập cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện Trưng Vương cần chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thu hút người bệnh, vì khu vực này có rất nhiều bệnh viện. Điều đặc biệt là bệnh viện cần củng cố, ổn định lại bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên y tế.
Vũ Hạnh (T/h)