120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19

Nguyễn Thị Hải Hà
Giai đoạn 2020-2022, 4 gói chính sách quan trọng của Chính phủ đã hỗ trợ 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động, hơn 68 triệu lượt người lao động với số tiền trên 120.000 tỷ đồng.

Sáng 13/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Báo cáo với đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đã trình bày tóm tắt một số kết quả nổi bật trong việc hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19 - 1

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các Bộ, ngành (Ảnh: S.N).

Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2022, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng ban hành 4 gói chính sách để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg).

Theo đó, đã hỗ trợ cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động. Tổng nguồn lực thực hiện thông qua chi trả trực tiếp bằng tiền mặt và thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cho vay vốn trả lương ngừng việc trên 120.000 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 42, tổng kinh phí ngân sách nhà nước đã thực chi để thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP là 13.220 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2020, bên cạnh chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho trên 1,105 triệu người với tổng số tiền trợ cấp là 18.900 tỷ đồng.

Đối với Nghị quyết số 68, đã hỗ trợ hơn 35 triệu người lao động, người dân, 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh với tổng số tiền là hơn 45.000 tỷ đồng,

Đối với Nghị quyết số 03, số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 116/NQ-CP, tính đến hết ngày 30/9/2022, đã thực hiện chi trả cho hơn 13,3 triệu người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với số tiền là hơn 31.836 tỷ đồng, đã hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 346.664 đơn vị sử dụng lao động với số tiền là hơn 9.210 tỷ đồng. Tổng số tiền đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.

Đối với Nghị quyết số 30, số 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã giải ngân tới 122.991 lượt người sử dụng lao động, hơn 5,2 triệu lượt lao động với kinh phí là 3.740 tỷ đồng.

120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19 - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi (Ảnh: S.N).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong bối cảnh yêu cầu đòi hỏi việc xây dựng các chính sách hỗ trợ trong thời gian ngắn, chưa từng có tiền lệ, tránh trục lợi, lợi dụng...; việc đánh giá tác động chính sách chưa thật sự đầy đủ, chưa lường hết khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là tại địa phương, cơ sở.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đã đề xuất với Quốc hội tiếp tục kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn...

Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch và tăng chi tiêu cho an sinh xã hội. Trong đó ưu tiên bố trí kinh phí cho thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về lao động, người có công để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục theo dõi, quản lý và chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời đôn đốc thu hồi nợ đối với các khách hàng vay theo chính sách tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục theo dõi các doanh nghiệp, đơn vị người sử dụng lao động đang được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để đôn đốc việc đóng lại vào quỹ hưu trí và tử tuất nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong việc giải quyết thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội...

Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; giảm thiểu các quy trình, thủ tục để tạo thuận lợi cho đối tượng tiếp cận chính sách. Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các đối tượng người lao động gặp khó khăn, giảm sâu thu nhập, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội.