Trao nhân ái – Nhận niềm vui, hạnh phúc

Tạp Chí Nhân Đạo
Những cánh rừng tái sinh ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đang khép tán. Trên những con đường về bản, ríu rít tiếng trẻ mầm non, học sinh tiểu học các xã: Bản Máy, Sán Xả Hồ tưng bừng niềm vui tới trường, tới lớp sau kỳ nghỉ hè. Trường mới xây dựng do Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ “Mùa thu và những người bạn” ở Hà Nội đầu tư 1,1 tỷ đồng, dụng cụ nấu ăn phục vụ học sinh bán trú, giường, chiếu, chăn màn và cả áo ấm cho từng em. Vui nhất là bà con các dân tộc Hoàng Su Phì, bởi 2 năm 2018 – 201...
Những ngôi trường vùng cao
Khởi công tháng 7/2019, Điểm trường Mầm non bản Hợp Thượng, xã Sán Xả Hồ và Nhà lưu trú học sinh tiểu học, THCS xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì vẫn kịp đón học sinh vào năm học mới 2019 – 2020. Ngày cắt băng khánh thành, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao trong vùng hân hoan đón Nhóm thiện nguyện Mùa Thu bằng những điệu múa truyền thống dân tộc. Cờ hoa rực rỡ, những món ăn dân tộc được bà con chuẩn bị vui chung cùng Nhóm, không khí ăn mừng trường mới như đón Tết dân tộc. Nhóm Thiện nguyện Mùa thu còn chuẩn bị thực phẩm từ Hà Nội, tổ chức riêng bữa ăn cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS 2 xã gọi là “Nhập trường”.

Khánh thành công trình nhà lưu trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì
Để có ngôi trường tựa lưng vào núi, vững trãi và khang trang Nhóm Mùa thu đã cử thành viên có kỹ thuật nhiều lần lên khảo sát địa hình, xin giấy chứng nhận cấp đất, giấy phép xây dựng và tập kết nguyên vật liệu. Nhóm Mùa thu ngoài vận động quyên góp từ cộng đồng, tổ Thương mại của Nhóm còn nhập hàng hóa về bán buôn, bán lẻ; tổ chức hát phục vụ khách, bán giải khát tại Phố đi bộ Hà Nội gây quỹ. Vì trẻ thơ, những tình nguyện viên Chữ thập đỏ sẵn sàng hy sinh thời gian sau giờ làm việc hành chính tại công sở, bớt chút giờ nghỉ ngơi của cán bộ hưu trí để tự nguyện làm những việc có ích cho cộng đồng.
Đây là năm thứ hai, Nhóm Mùa Thu tổ chức xây trường tại vùng cao tỉnh Hà Giang. Năm 2018, Nhóm đã hoàn thành 2 điểm trường dành cho học sinh tiểu học xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên và xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì với kinh phí 1,3 tỷ đồng. Những ngôi trường mới dựng lên từ chính công sức của những tình nguyện viên Chữ thập đỏ và tình yêu thương của những người dân Hà Nội. Đó cũng là sự đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì, huyện Vị Xuyên trong công tác xã hội hóa giáo dục với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh có chỗ ở, nơi học tập đảm bảo chất lượng. 
 
Sán Xả Hồ, Bản Máy là hai xã đặc biệt khó khăn của Hoàng Su Phì. Đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên các triền núi đá. Đảm bảo sĩ số học sinh đến lớp, giáo viên trường mầm non, tiểu học & THCS phải bám lớp, bám bản, vận động cha mẹ cho con em mình tới trường. Có trường mới, phòng ở bán trú, học sinh sẽ chăm chỉ hơn, không bỏ học giữa chừng, tránh được nạn tảo hôn và nâng cao dân trí nơi vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.      
Như dòng suối mát lành yêu thương
Bà Nguyễn Nhung, một người uy tín Đội Tình nguyện Mùa thu trao đổi: “Lòng nhân ái chính là cánh tay nâng đỡ những người có số phận bất hạnh. Chính sự giúp đỡ kịp thời có thể sẽ thay đổi tích cực tới số phận mỗi con người”. Hoạt động từ thiện nhân đạo từ năm 18 tuổi, bà Nguyễn Nhung hiểu rõ: Cần sự chung tay của cả cộng đồng giúp đỡ những số phận kém may mắn. Nhóm Mùa thu thành lập năm 2016, lúc đầu có dưới 10 thành viên chỉ nấu và cấp cháo dinh dưỡng cho các bệnh nhi Viện Nhi Trung ương. Nhóm được sự ủng hộ của rất nhiều người có tâm nhân đạo tại Hà Nội, thành viên tự nguyện tìm tới Nhóm ngày một đông, hiện nay lên tới hơn 300 tình nguyện viên chữ thập đỏ. Bà Nguyễn Nhung đã cho Nhóm Mùa thu mượn nhà tại 157 Lạc Nghiệp, quận Hai Bà Trưng làm địa điểm nấu cháo, đóng góp mua sắm 4 nồi inoc nấu cháo bằng điện, vài chục thùng nhựa đựng cháo (bên trong bằng inoc), dụng cụ nấu, múc, chuyên chở… Thứ bảy, chủ nhật, thứ ba hàng tuần tình nguyện viên đăng ký tới nấu cháo, xe ô tô (huy động từ chủ doanh nghiệp) chở 8.000 suất cháo/ngày đến các bệnh viện: Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội), Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện U bướu Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội và Bệnh viện Nội tiết Trung ương trao cho người bệnh.
Bà Lê Hà, tình nguyện viên đến với Nhóm Mùa thu từ huyện Gia Lâm tâm sự: Khi một người vấp ngã hay thất bại, trong thâm tâm ai cũng cảm thấy tương lai thật tối tăm, mù mịt và họ dễ có cảm giác tuyệt vọng. Nhưng chỉ cần một hành động chia sẻ, một cánh tay giúp đỡ có thể giúp họ vượt qua khoảng thời gian khó khăn và tự tin tiến lên phía trước. Bà Lê Hà thường đến sớm nhất Nhóm Mùa Thu, đi chợ mua xương, lọc thịt, chần nước sôi sạch sẽ sau đó cho vào hầm lấy nước nấu cháo tăng chất dinh dưỡng. Thầm lặng cống hiến cho tình nhân ái, các thành viên Nhóm Mùa thu như những con ong chăm chỉ, cần mẫn góp phần làm cuộc sống tươi đẹp.
Mỗi lần cấp cháo dinh dưỡng cho người bệnh, Nhóm Mùa thu sử dụng 45 – 50kg gạo, 25kg thịt lợn xay nhỏ, 45kg bí đỏ, bột canh, gia vị để thành 800 suất cháo/ngày. Tình nguyện viên đến từ sáng sớm, cần mẫn gọt bí đỏ (hoặc củ sen), xào săn thịt, xay nhuyễn bí, nấu nhừ cháo… Gửi vào nồi cháo dinh dưỡng là triết lý sống “Tương thân tương ái” dân tộc Việt. Sống không chỉ là để sống mà còn là để yêu thương. Cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nếu ai trong mỗi chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của tấm lòng nhân ái. 
Tôi rất thích câu triết lý của Nhà văn Việt Quang: “Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của thương yêu. Không có thương yêu, thế giới này lập tức biến thành địa ngục”. Tình yêu thương con người thực chất vô cùng đơn giản, nó hiện diện từ những hành động rất đỗi giản dị thường ngày: Một lời động viên an ủi, một cái nắm tay, một cái ôm ấm áp, một nụ cười dịu dàng, một lời chào nồng ấm… Đội tình nguyện chữ thập đỏ “Mùa thu và những người bạn” đã trao nhân ái, nâng đỡ biết bao số phận kém may mắn. Tình yêu thương khi được trao đi dù là nhỏ nhất cũng không bao giờ lãng phí. Yêu thương giúp cho người nhận được thấy ấm áp, hạnh phúc, tiếp thêm cho con người động lực mỗi khi gặp khó khăn, thất bại. “Tôi luôn luôn bám lấy suy nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được điều gì đó bé nhỏ để giảm bớt một phần nỗi thống khổ của nhân loại” - Nhà văn Albert Schweitzer từng viết. Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí. Những tình nguyện viên Nhóm Mùa Thu dù chẳng có ai giàu có nhưng khi thấy người bệnh từ các tỉnh đến Hà Nội điều trị gặp khó khăn là tự nguyện chia sẻ giúp họ no cái bụng, đủ sức hợp tác cùng cán bộ y tế chữa trị khỏi bệnh tật. Trao nhân ái – nhận niềm vui, hạnh phúc. 
Trần Phổ Thế