Tổ già làng tự quản giữ bình yên ở Đam Pao

Tạp Chí Nhân Đạo
“Hội đồng già làng” ở Tây Nguyên được duy trì và ngày càng củng cố hoàn thiện từ kháng chiến chống thực dân xâm lược đến nay. Đó là một thiết chế xã hội bền vững, quy mô điều hành bằng tập hợp những người có tuổi, bề dày kinh nghiệm sống và uy tín nhất cộng đồng. Thiết chế đó hiện rất có hiệu lực ở thôn Ðam Pao, xã Ðạ Ðờn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) bởi “Tổ già làng tự quản”. Họ là những người hòa giải, xử lý mâu thuẫn xã hội công minh, chính trực mang công bằng đến tất cả đồng bào dân tộc...
Thôn Đam Pao là thôn cổ, lâu Tđời nhất xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà với hơn 400 hộ dân sinh sống (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%). Đây cũng là cái nôi cách mạng trong kháng chiến, người dân một lòng theo Đảng, chở che bộ đội, đấu tranh với giặc bảo vệ buôn làng. Vai trò già làng từ những ngày kháng chiến đã được cách mạng đề cao, ngày nay già làng giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Giàng làng Kră Jăn Ha Nhang khuyến khích phụ nữ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống
 
Tổ già làng tự quản Đam Pao củng cố lại tháng 4/2015 theo chủ trương Đảng ủy xã nhằm phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Đó là những người cao niên uy tín, đại diện 10 Trưởng họ thuộc 3 dân tộc: Cil, mạ, K’Ho và là những chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn.

Họ điều hành và giải quyết mọi vấn đề xã hội bằng những quy định nghiêm ngặt của luật tục do người dân buôn làng tự thống nhất. Nói về Tổ già làng tự quản, ông Nguyễn minh Thu - Trưởng thôn Đam Pao khẳng định: Họ rất giàu kinh nghiệm xử lý mâu thuẫn dòng tộc, gia đình.
 

Già làng Long Dinh Ha Pròng giải quyết các mâu thuẫn trong xóm, trong dòng họ
 
Già Kră Jăn Ha Nhang cho biết: Trong 2 năm (2018 – 2019), Tổ già làng tự quản Đam Pao đã hòa giải thành công 37 vụ mâu thuẫn, 13 vụ tranh chấp liên quan đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Đơn cử vụ việc năm 2018, hai nhóm thanh niên con em dân tộc K’Ho và Cil mâu thuẫn, đánh nhau lúc uống rượu say. Già làng Kră Jăn Ha Nhang mời trưởng 2 dòng họ tới nhà Rông trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân. Sau đó, ông tổ chức họp 2 dòng họ, phân tích đúng, sai của nhóm thanh niên. Tổ già làng khéo léo để hai nhóm gặp gỡ vui vẻ, bắt tay giảng hòa. Nhóm thanh niên gây sự trước nộp phạt con “heo ba gang” (lợn có độ dài bằng 3 gang tay) làm lý hòa giải hai bên.

Nói về giải quyết mâu thuẫn trong đời sống xã hội hiện nay, già làng Long Dinh Ha Pròng nói: Ngày xưa, cha tôi là già làng, các cụ giải quyết các vấn đề của bà con có cái tốt nhưng nặng hủ tục. Ngày nay, mình phải lựa cái tốt phù hợp với pháp luật của Nhà nước, giữ cho buôn làng bình yên. Những việc mâu thuẫn lớn có sự vào cuộc của Tổ già làng, còn những việc nhỏ là các trưởng họ có trách nhiệm tự giải quyết.

“Nếu già làng không đứng ra giải quyết thì Ha Xom (một chàng trai nghèo) sẽ không cưới được Đơng Gur Phương Hoa, cô gái xinh đẹp bởi cha mẹ Phương Hoa thách cưới cao. Nhà trai có bán hết trâu, hết vườn cà phê vừa thu hoạch cũng không đủ tiền cưới dâu. Già làng mi chel Tiểu và già làng Đơng Gur Ha Lơng đã hóa giải có tình, có lý giúp đỡ Ha Xom và Đơng Gur Phương nên duyên chồng vợ”, già làng Long Dinh Ha Pròng kể.

Tổ già làng tự quản không chỉ là lực lượng nòng cốt trong giải quyết các vụ việc “cộm cán” trong buôn mà còn là những người dẫn đầu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tổ già làng khuyên răn con cháu làm những việc tốt, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Giàng làng khuyến khích, động viên thế hệ trẻ tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm ra sản phẩm hàng hóa, làm giàu cho gia đình, cho buôn làng.

Trong sản xuất kinh tế, già làng Bon Dơng Ha Chàng đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chương trình tái canh, ghép cải tạo cà phê. Gia đình già làng Bon Dơng Ha Chàng đã cùng bà con tham gia tổ hợp tác sản xuất rau, hoa theo hướng công nghệ cao, tổ hợp tác chăn nuôi bò vàng tập trung, tổ hợp tác mây tre đan…

Hưởng ứng sự vận động của Tổ già làng, bà con Đam Pao tích cực sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,14%. Tính đến cuối năm 2019, bình quân thu nhập của người dân Đam Pao đạt trên 65 triệu đồng/người/năm. Phong trào xây dựng nông thôn mới, Tổ già làng tự quản luôn có mặt trong vận động bà con hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa mới… Thôn Đam Pao là một trong những buôn làng đầu tiên xã Đạ Đờn hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đam Pao hiện có 4.950m đường bê tông hóa, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 6.500m hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống camera an ninh tại 6 khu dân cư… người dân đã đóng góp trên 1,2 tỷ đồng và 1.250 ngày công lao động cùng Nhà nước.

Đam Pao theo tiếng địa phương là Suối mơ. Những già làng uy tín, được bà con tin tưởng, giao trọng trách đồng hành cùng đồng bào các dân tộc: Cil, mạ, K’Ho xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển kinh tế - xã hội. Đam Pao ngày càng đẹp như mơ”, đó là câu nói của Giàng làng Kră Jăn Ha Nhang. Còn Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Đạ Đờn nhận xét: “Tổ Già làng tự quản thôn Đam Pao là mô hình điểm để xã triển khai nhân rộng tại 7/7 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số”.
Từ thành tích đạt được, Tổ già làng tự quản thôn Đam Pao 3 năm liên tục (2017 – 2019) được Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen trong công tác dân vận.

Bài, ảnh: Khâm Nguyên