Nỗi lòng người dân vùng lũ

Tạp Chí Nhân Đạo
Mấy ngày nay, trời đổ mưa như trút nước xuống cả dải đất miền Trung - mảnh đất vừa phải hứng chịu bao thiệt hại sau cơn bão số 5 cách đây không lâu.
Sáng ngày 9/10/2020, khu vực huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình ngập sâu từ 2,5 – 3m. Cả vùng bị cô lập mênh mông đục ngầu nước lũ. Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thuỷ không thể đưa hàng hóa vào cứu trợ cho dân. 

Cụ bà Nguyễn Thị Phong - 81 tuổi Thôn Mốc Định, xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình nhận hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình
Ngay khi nước rút xuống thấp, đoàn công tác của tỉnh Hội Quảng Bình đã nhanh chóng dùng thuyền tiếp cận, đưa hàng cứu trợ vào với bà con. Đoàn đến thăm gia đình cụ bà Nguyễn Thị Phong, năm nay 81 tuổi ở thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thuỷ. Bà thuộc diện hộ nghèo có một người con trai 51 tuổi mắc bệnh tâm thần. Chồng mất vì bạo bệnh hơn 20 năm trước để lại cho bà gánh nặng vừa lo tiền sinh hoạt hàng ngày, vừa lo tiền chữa chạy cho người con trai bệnh tật. Nguồn thu nhập chính của bà là mảnh đất 500 mét vuông trồng hoa màu do các cụ để lại cũng chỉ đủ góp nhặt dành dụm mua được ít thuốc cho con. Với số tiền nhà nước cấp cho người già 270 nghìn đồng và 405 nghìn đồng cho người con trai bị bệnh mỗi tháng, thỉnh thoảng nhận được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, của bà con hàng xóm, Bà Phong tằn tiện để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Giữa bốn bề mênh mông là nước, với gương mặt khắc khổ, ánh mắt nặng trĩu nỗi buồn, cụ bà NguPhong trải lòng với cán bộ Chữ thập đỏ: “Mưa to quá, nhà mẹ phải lấy thau hứng nước, nhưng mái nhà bị thủng cả, mẹ đành chịu để ướt hết áo quần, bao lúa để dành cũng bị ướt sạch không ăn được nữa. Nước dâng cao mấy con gà cũng chết cả, cây trong vườn ngập nước chẳng có đồng nào rồi. Có Chữ thập đỏ cho mỳ tôm, cho chăn màn và mấy cái mà mẹ đang cần, cảm ơn lắm”.
Khi được hỏi, mẹ mong muốn nhất điều gì vào lúc này, câu trả lời của mẹ là mong nước rút nhanh, mong đừng có lụt bão nữa kẻo khổ dân lắm, rồi nếu có được cái nhà chắc chắn để không lo khi mùa bão về là mẹ an tâm, có chỗ cho người con bệnh tật khỏi phải lo đi nơi khác tránh lũ. 
Ánh mắt của người phụ nữ nghèo vùng lũ với cái nhìn xa xăm với nhiều mong đợi vượt lên trên số phận, làm chủ được thiên nhiên là hình ảnh khắc sâu trong trí nhớ của những người làm công tác nhân đạo, mong muốn không có thiên tai để người dân được sống cuộc sống an bình.
Được biết đây là đợt thiên tai thứ 2 trong năm 2020 tại huyện Lệ Thuỷ, nơi có tỷ lệ hộ nghèo là 4,39% với 1.817 hộ, 1,78% dân tộc thiểu số với 738 hộ. Sinh kế chính của người dân nơi đây là trồng lúa và hoa màu. Trước mắt người dân vùng lũ là những nỗi lo chồng chất để vừa khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ổn định cuộc sống và sinh hoạt, lo sửa chữa nhà cửa để sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai khác.
Đợt lũ này, toàn tỉnh Quảng Bình có 13.000 căn nhà bị ngập lụt. Qua kết quả đánh giá thiệt hại và nhu cầu từ Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho thấy, nhu cầu khẩn cấp của người dân vùng lũ lúc này là thùng hàng gia đình, gạo, mỳ tôm, nước uống, tiền mặt và sau đó là nhà ở và sinh kế. 
Để kịp thời hỗ trợ bà con vùng lũ trong giai đoạn khẩn cấp, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã triển khai cứu trợ thùng hàng gia đình, viên khử khuẩn làm sạch nước. Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam đã hỗ trợ 30.000 chai nước uống cho Quảng Bình và Quảng Trị thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tổng giá trị hàng cứu trợ của Trung ương Hội cho các địa phương là hơn 700 triệu đồng. 
Người dân vùng lũ tại các tỉnh miền Trung đang rất cần sự chung tay của toàn xã hội giúp sức để vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Mong rằng, với nghị lực phi thường, kinh nghiệm của vùng đất bao đời sống chung với thiên tai, người dân vùng lũ miền Trung sẽ nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường trong lao động, học tập và sản xuất.
Trần Pha. Ảnh: Mậu Thường 
http://redcross.org.vn/noi-long-nguoi-dan-vung-lu.html