Ngân hàng chính sách xã hội tăng động lực chiến thắng đói nghèo, nâng cao mức sống

Tạp Chí Nhân Đạo
Đến vùng cao tỉnh Yên Bái hôm nay, điều dễ nhận thấy nhất trong tư duy đồng bào dân tộc thiểu số là xóa bỏ tự túc lương thực sang sản xuất hàng hóa theo thế mạnh vùng, miền.
Tích lũy để vươn lên chiến thắng đói nghèo. Có rất nhiều bản, xã đã thoát nghèo, đi lên từ công tác tín dụng chính sách xã hội. Đồng bào dân tộc thiểu số liên kết với nhau thành sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là điểm tựa tin cậy để người dân vùng cao vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo. 

Đồng hành cùng người nghèo 
Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, tỉnh Yên Bái có rất nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo điển hình được báo chí quan tâm. Giai đoạn từ năm 2014-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cho gần 130.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với doanh số 3.850 tỷ đồng. Doanh số cho vay trên địa bàn các xã đạt chuẩn nông thôn mới hơn 1.000 tỷ đồng; Doanh số cho vay đối với 2 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đạt hơn 500 tỷ đồng. 

Tỉnh Yên Bái đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách với 84.000 hộ gia đình đang vay vốn với tổng dư nợ gần 3.000 tỷ đồng. Chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn chiếm hơn 60% tổng dư nợ. Bình quân mỗi năm có hơn 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với doanh số bình quân hơn 600 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm trên 4%. Nguồn vốn vay đã giúp gần 42.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo. 
 


Một buổi giao dịch cho vay vốn tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái
 
Hiện nay, vay vốn tín dụng chính sách với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả gốc và lãi tại Điểm Giao dịch xã. Cách làm mới này giúp người dân từng bước tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn. Vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, giúp các đối tượng thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ là cầu nối trung gian giúp người dân, hộ gia đình chính sách, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn vay ưu đãi. Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam triển khai thêm các chương trình tín dụng chính sách mới, phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương vùng cao tỉnh Yên Bái. 

Động lực giúp người dân vùng cao thoát nghèo 
Huyện Mù Cang Chải là một trong 64 huyện vùng cao, vùng sâu nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Tỷ lệ hộ nghèo ở Mù Cang Chải, hộ cận nghèo chiếm hơn 63%, với 7.687 hộ. Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, giúp họ có thêm động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 
 


Nhờ vốn vay, nhiều hộ dân tộc Dao ở Văn Chấn đầu tư trồng quế hữu cơ, có thu nhập, cải thiện mức sống
 
Gia đình anh Giàng A Dê, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải là điển hình vươn lên thoát nghèo từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, năm 2017, anh vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn 2 năm làm du lịch cộng đồng, đời sống của gia đình anh ngày được cải thiện, không những thoát nghèo mà anh còn vươn lên làm giàu. Đến nay, trung bình mỗi tháng, anh thu về từ 30-40 triệu đồng, trừ chi phí gia đình anh lãi khoảng 15-20 triệu đồng. 

Anh Hờ A Dì, xã La Pán Tẩn từng vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mô hình nuôi dê, nuôi nhím, với quy mô hơn 60 con dê và 40 con nhím. Bước đầu mô hình nuôi dê đã cho thu nhập. Mỗi năm, anh Dì xuất bán 3-4 lần, trung bình một con dê bán ra được khoảng từ 2-4 triệu đồng. Anh Dì xúc động: Nếu không được tiếp cận nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất đối với vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi chẳng thể có những đàn dê, đàn nhím như vậy. Nhờ nuôi dê, những năm qua gia đình tôi có thêm thu nhập. Dự định tới, gia đình tôi phát triển mô hình nuôi dê với quy mô lớn hơn hiện nay. 
Được biết, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải đã tạo mọi điều kiện để người dân vùng khó được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Với phương châm hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Phòng giao dịch đã truyền tải nhanh nhất nguồn vốn tín dụng đến các xã trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tổ chức 14 điểm giao dịch xã, thị trấn hàng tháng tại trụ sở UBND xã và xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm phủ rộng trên tất cả 98 thôn bản, tổ dân phố. Năm 2019, Phòng giao dịch có tổng nguồn vốn gần 247 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 1.600 hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ 246 tỷ đồng. 

Tính đến tháng 2/2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, với trên 83.000 hộ nghèo, chính sách được vay vốn, dư nợ 3.100 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, chăm sóc, cải tạo trồng mới trên 53.000ha rừng, hơn 3.200ha chè, 400ha cây ăn quả; Mua gần 50.000 con trâu, bò, hơn 40.000 con lợn và 66.300 con giống gia súc, gia cầm khác. Làm mới và cải tạo hơn 53.500 công trình nước sạch, vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn; Hơn 1.500 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; Hỗ trợ hơn 2.400 hộ nghèo làm nhà ở và tạo việc làm cho trên 5.400 lao động… Nhiều hộ gia đình trong tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; Xây dựng các tổ hợp tác kinh tế mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái mỗi năm từ 3-4%. 

Thụy Vân