Mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương” - Bài 1: Tiếp thêm sức mạnh cho học sinh vùng khó khăn

Tạp Chí Nhân Đạo
Tình hình thiên tai, dịch bệnh liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó đối tượng học sinh, giáo viên vùng xa, vùng khó khăn, biên giới… bị ảnh hưởng không nhỏ. Từ ngày 20/11/2020, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh triển khai Mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương” nhằm góp phần giúp các em học sinh vơi bớt khó khăn khi đến trường và chắp thêm khát vọng học tập cho các em.
Giữa những khó khăn, bĩ cực, vất vả để đến chinh phục con chữ, Mô hình "Trường đến trường" - Kết nối tương lai không chỉ giúp các thầy cô và các em học sinh vơi bớt khó khăn, mà đó còn là sự động viên tinh thần không hề nhỏ để mỗi học sinh được tiếp thêm sức mạnh vượt khó vươn lên.


Hơn 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh do không được tiếp cận với nước uống và môi trường bị ô nhiễm - ẢNH: Linh Pham/UNICEF

Những diễn biến phức tạp của thiên tai
Có thể nhận thấy trong năm 2020, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến ngày càng khó lường. Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 29/10, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 20.000 học sinh bị ảnh hưởng vì mưa bão, 2 học sinh bị đuối nước, 150 trường bị ngập, trong đó có 69 trường bị ngập sâu. Thiệt hại sách vở, dụng cụ học tập thiết bị dạy học bị hư hỏng các cấp từ tiểu học đến THPT ước tính 3,1 tỷ đồng. Thiệt hại về cơ sở vật chất trường lớp học ước tính khoảng 26 tỷ đồng.
Ngay tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn cũng gây ngập nhiều tuyến đường, khiến học sinh phải nghỉ học. Thiệt hại tài sản ước tính 70,2 tỷ đồng. Nhiều trường bị sụt lún, hư hỏng cơ sở vật chất. Nhiều thiết bị dạy học bị hỏng. 26.051 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập, thiệt hại ước tính 8,8 tỷ đồng.
Còn tại Quảng Bình, hầu hết các trường trong toàn tỉnh đều ảnh hưởng do đợt lũ lụt gây ra; 100% học sinh phải nghỉ học; 3 học sinh bị đuối nước. Hàng ngàn thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng; Toàn tỉnh có 334 trường với 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước. Tổng thiệt hại ước tính trên 382,8 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong số những thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thì xã Xuân Ninh là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề. Hai đợt lũ từ ngày 10 - 21/10 đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn xã bị chia cắt do mưa, lũ. Nhiều trường học, trạm y tế bị cô lập, ngập sâu từ 1- 3 mét, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị hư hỏng. Tổng thiệt hại tài sản do mưa lớn, ngập lũ gây ra trên 45 tỷ đồng.


Các cơn bão liên tiếp đã gây ra thiệt hại lớn cho mạng lưới nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh, trường học, trạm y tế, nhà ở và cơ sở hạ tầng xã - ẢNH: Truong Viet Hung/ UNICEF

Tại tỉnh Quảng Trị mưa lớn, lũ quét đã làm 5 người bị thiệt mạng, trong đó 1 học sinh bị đuối nước, 3 học sinh, 1 cán bộ quản lý bị vùi lấp. Ngoài ra có 2 giáo viên mầm non có chồng bị hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu dân. Toàn tỉnh ước tính thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Khoảng 200 trường với 309 điểm trường bị ngập/ngập sâu trong nước, 2109 phòng học bị ngập nước, 844 phòng học bị hư hại từ 30-70%.
Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào những tháng vừa qua cũng đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Toàn bộ học sinh phải nghỉ học, 3 học sinh bị đuối nước, nhiều trường bị ngập, đổ tường, tốc mái, sạt lở đất.Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 36,5 tỷ đồng.

Ổn định cuộc sống, hỗ trợ trẻ em đến trường
Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh gây ra, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai Mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương”, đây là sự cụ thể hóa việc ứng dụng phần mềm iNhandao trong việc hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo tập thể (các trường học), các địa chỉ nhân đạo cá nhân (học sinh, giáo viên) và một cách thiết thực thông qua kết nối giữa các trường. 
Để triển khai mô hình, các đơn vị tham gia sẽ phối hợp khảo sát các trường học, hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu cần trợ giúp, sau đó đưa lên hệ thống iNhandao. Tiếp đó, vận động các trường có điều kiện kết nghĩa và hỗ trợ các trường học khó khăn theo hình thức “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương”. Các hỗ trợ gồm: Cơ sở vật chất (phòng học, nhà vệ sinh, nước sạch); Trang thiết bị, đồ dùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm học tập, giảng dạy và các hỗ trợ phi vật chất khác…
Từ ngày 20/11 đến 5/12, hưởng ứng Mô hình “Trường tới trường-Kết nối yêu thương” và nhằm giúp đỡ các trường học và học sinh vùng ngập lũ (Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh). Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai và các mạnh thường quân trong tỉnh đã trao tặng 20 chiếc xe đạp trị giá 24 triệu đồng; 40 bộ máy tính đã qua sử dụng trị giá 80 triệu đồng; 1000 bộ SGK trị gía khoảng 100 triệu đồng; Trao tặng 860 triệu đồng tiền mặt nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh gặp khó khăn sau thiên tai và hỗ trợ các nhà trường sửa chữa, mua sắm thêm thiết bị dạy học. Tổng trị giá 1,064 tỷ đồng.
Ngày 6/12, tại Quảng Bình, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao 50 triệu đồng tới 20 giáo viên và 30 học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn đã phối hợp với Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân và trao 50 xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó trong học tập.
Ngày 7/12, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Phó chủ tịch Trần Quốc Hùng làm Trưởng đoàn đã có mặt tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhằm hỗ trợ người dân và các em học sinh gặp khó khăn sau lũ. Hưởng ứng Mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương”: Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh và Công ty Công nghệ phần mềm A-Z đã trao 100 xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó trong học tập ở huyện Hải Lăng; Cổng thông tin Nhân đạo quốc gia 1400 tặng 260 cặp phao, 260 bộ đồ dùng học tập cho các em học sinh trường Tiểu học và THCS Hải Ba.


Các tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng các em học sinh trường Tiểu học và THCS Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vượt qua khó khăn

Từ ngày 9/12 đến 11/12, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn công tác đến 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nhằm hỗ trợ các gia đình, giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng do mưa lũ. Đoàn đã tổ chức khám bệnh và tặng 300 suất quà; Trao hỗ trợ vốn cho 45 hộ nghèo; Trao 230 suất học bổng cho giáo viên và học sinh gặp khó khăn; Sửa chữa 3 trường học bị xuống cấp; Khảo sát 2 công trình trường học. Tổng trị giá đạt 1,668 tỷ đồng.
Trong lúc khó khăn, thiếu thốn, những hoạt động từ mô hình “Trường tới Trường – Kết nối yêu thương” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động đã cung cấp cho nhà trường, giáo viên và học sinh những món quà thiết yếu. Với các em học sinh, các món quà ấy càng quý giá hơn nữa, bởi “Trường đến trường” đã giúp các em vơi bớt khó khăn trên hành trình đi tìm tri thức.

 Hà Mi