Thanh Hóa: Hỗ trợ các cơ sở mầm non tư thục vượt khó

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (tư thục) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn do cơ sở vật chất xuống cấp. Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ, trong đó có chương trình hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã kịp thời tiếp thêm động lực, hỗ trợ nguồn vốn cần thiết để nhanh chóng phục hồi, hoạt động bình thường.

164d0181845t16982l0-1660201449.jpg
Giờ ăn của trẻ ở Cơ sở Mầm non Tâm An, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn).

Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Sầm Sơn cho biết, trên địa bàn thành phố Sầm Sơn hiện có 27 cơ sở và 1 trường mầm non tư thục. Qua rà soát, có 8 cơ sở đảm bảo đủ điều kiện để giải ngân nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đến thời điểm hiện tại, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Sầm Sơn đã giải ngân cho 7 cơ sở với số tiền 560 triệu đồng…
Là một trong những trường được giải ngân gói tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Cô giáo Lê Thị Thư, chủ cơ sở mầm non ngoài công lập Tâm An, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, cho biết: Cơ sở chính thức hoạt động từ năm 2019. Cơ sở này chuyên chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ 13 tháng tuổi đến 4 tuổi. Trước đây khi chưa xảy ra dịch COVID-19, cơ sở đón nhận 50 cháu, chia thành 4 nhóm lớp và có 6 cô chăm sóc, nuôi dạy với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng trẻ đến lớp chỉ được vài ba cháu, thậm chí có thời gian dài không có học sinh. Không có trẻ đến lớp, đồng nghĩa cơ sở không có nguồn thu. Để động viên các cô yên tâm gắn bó với cơ sở, bằng mọi cách cơ sở đã cố gắng hỗ trợ mỗi cô gần 2 triệu đồng/tháng. Do mất một khoảng thời gian dài phải đóng cửa phòng, chống COVID-19, nhiều trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng, trong khi đó kinh phí dành mua sắm, sửa chữa không có.
 
“Năm học mới 2022-2023 cận kề, chưa biết sẽ huy động nguồn kinh phí ở đâu, cơ sở được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Sầm Sơn tư vấn cho vay 80 triệu đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Số tiền này đã giúp chúng tôi kịp thời bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất như bếp, ti vi, tủ lạnh... Sự tiếp sức này rất cần thiết cho cơ sở hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới…”, cô Thư chia sẻ thêm.
 
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch, qua rà soát, có 75 trên tổng số 239 cơ sở mầm non tư thục địa bàn có có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để giải ngân nguồn vốn hỗ trợ. 
 
Tính đến ngày 27/7, NHCSXH tỉnh đã hoàn thành việc giải ngân cho 75 cơ sở này với số tiền 6 tỷ đồng. Việc hỗ trợ kịp thời nguồn vốn đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập không chỉ thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước mà còn tiếp thêm sức mạnh, giúp các cơ sở mầm non ngoài công lập vượt qua khó khăn sớm phục hồi, phát triển, đóng góp chung vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới.

PL

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/thanh-hoa-ho-tro-cac-co-so-mam-non-tu-thuc-vuot-kho-a18814.html