Thương mại điện tử Việt Nam tăng trường cao nhất khu vực Đông Nam

Tạp Chí Nhân Đạo
Trong Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2021 (VOBF 2021) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, “Năm 2020, trong bối cảnh hầu hết các lĩnh vực kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam đi ngược xu thế, với mức tăng trường cao nhất khu vực Đông Nam Á”.

 

Báo cáo nhận định dịch Covid-19 nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4/2020, kênh mua sắm này trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ. Điểm nổi bật là trong khủng hoảng doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng. Kết quả khảo sát nhanh vào tháng Năm sau đó củng cố nhận định này.
VOBF 2021 đã cung cấp bức tranh toàn cảnh TMĐT Việt Nam, đồng thời cập nhật thêm các chủ đề hấp dẫn từ những thông tin mới nhất về TMĐT, thống kê về hành vi chuyển đổi mua sắm của khách hàng cho doanh nghiệp. Những thông tin thiết thực có giá trị giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp chiến lược thay đổi, khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 vừa qua và tăng trưởng đột phá, bền vững cho công việc kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Theo Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng, qua khảo sát khoảng 5.000 doanh nghiệp của VECOM, năm 2020 TMĐT nước ta tăng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025. Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn và toàn diện tới kinh tế - xã hội, trong đó có TMĐT. Vượt qua khó khăn, TMĐT vẫn đứng vững, thậm chí có sự bứt phá trong một số lĩnh vực bởi dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của người dân. Qua đó, các doanh nghiệp cũng trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng CNTT, thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ, kết nối khách hàng.
Năm 2021, Chỉ số TMĐT sẽ được tổng hợp từ 3 tiêu chí gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Theo báo cáo TMĐT từ Đông Nam Á của Google: TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT đạt 52 tỷ USD.
TH