Theo lộ trình đến cuối tháng 12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ công tác chuẩn bị cho thị trường chứng khoán phái sinh.
Song, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, quy trình vận hành thì các cơ quan chức năng cũng cần đồng thời xây dựng quy trình quản lý rủi ro nhằm đảm bảo sự bền vững của thị trường.
Rủi ro “tiềm ẩn”
Về cơ bản chứng khoán phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro và giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư, song trong quá trình sử dụng chúng, ranh giới rủi ro lại rất gần và không dễ kiểm soát bởi các hoạt động đầu cơ ngày càng tinh vi.
Trong quá khứ, câu chuyện về những công cụ phái sinh và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng, thị trường chứng khoán lao dốc và mất giá tiền tệ tại Mỹ cùng nhiều nước châu Âu vẫn là những bài học nhãn tiền.
Về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cắt nghĩa, các công cụ phái sinh vốn là kênh phân phối và sàng lọc rủi ro, song nếu sử dụng không đúng cách có thể sẽ phát sinh ra những rủi ro tiềm ẩn (dễ trở thành công cụ đầu cơ thao túng thị trường, gây rủi ro tín dụng hay công cụ làm sai lệch thông tin tài chính).
Ông Lực lý giải, công cụ phái sinh giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro và cố định chi phí tài chính nhưng nó cũng có thể làm giảm khoản lợi nhuần tiềm năng nếu nhà đầu tư thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm nhận định xu hướng thị trường.
Đối với các nhà đầu tư tổ chức, sản phẩm chứng khoán phái sinh có tác dụng phòng ngừa rủi ro đối với các danh mục ủy thác và các quỹ đầu tư do các tổ chức quản lý.
Ngoài ra, sản phẩm phái sinh cũng tạo thêm cơ hội gia tăng lợi nhuận cho khách hàng ủy thác và các nhà đầu tư khi các tổ chức áp dụng các chiến lược đầu cơ ở các thời điểm thị trường lên-xuống.
Song ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cũng chỉ ra, chứng khoán phái sinh là sản phẩm phức tạp và chứa nhiều rủi ro, hơn nữa còn rất mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bước đi thận trọng
Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng Thị trường Chứng khoán Phái sinh Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ra, những rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh gồm rủi ro toàn thị trường (trong đó có rủi ro nguy cơ thao túng giá) và rủi ro trong vận hành.
Do vậy để quản lý rủi ro thao túng giá, bà Hà cho biết, HNX lựa chọn các tài sản cơ sở và thiết kế sản phẩm tránh thao túng giá là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra bà Hà cũng cho hay, trong khi thiết kế các sản phẩm hợp đồng tương lai, HNX cũng xây dựng phương pháp xác định giá, phương thức thanh toán phù hợp, nhằm tránh thao túng giá.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa rủi ro trên hệ thống giao dịch, HNX đã xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh với các chức năng (như giao dịch, quản lý thành viên, kết nối với Trung tâm lưu ký, phòng ngừa rủi ro, chức năng thống kê, cảnh báo, hệ thống giám sát, công cụ giám sát…)
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), ông Đặng Tài An Trang, Phó Chánh Văn phòng nhấn mạnh, mục tiêu quản lý của Ủy ban đối với thị trường chứng khoán phái sinh là bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thị trường vận hành công bằng, hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro hệ thống.
“Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt ra nguyên tắc quản lý thị trường chứng khoán phái sinh nhằm bảo vệ tài sản khách hàng, đảm bảo năng lực và sự trung thực của tổ chức kinh doanh chứng khoán, tính toàn vẹn của thị trường,” ông Trang nói
Từ đó, SSC đã đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, như quy định điều kiện kinh doanh đối với các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, tư vấn (công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ 800 tỷ đồng trở lên, không lỗ trong 2 năm gần nhất, tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% trong 12 tháng gần nhất… mới được thực hiện nghiệp vụ môi giới).
Nhân tố con người
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Hải cũng cho rằng, những rủi ro tiềm ẩn nêu trên đòi hỏi các công ty quản lý quỹ phải có năng lực chuyên sâu về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự dày dạn kiến thức và kinh nghiệm về hệ thống quản lý rủi ro, để có thể áp dụng các sản phẩm phái sinh được cách an toàn, hiệu quả.
“Đối với SSIAM, chuẩn bị nguồn lực con người luôn là ưu tiên hàng đầu. SSIAM đã tiến hành nghiên cứu tìm ra những giải pháp khả thi để triển khai các nghiệp vụ, sản phẩm mới áp dụng công cụ phái sinh ngay khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động,” ông Hải nói.
Về mặt sản phẩm, ông Hải cho biết, SSIAM đã và đang nghiên cứu triển khai áp dụng các chiến lược giao dịch hợp đồng tương lai của trái phiếu và chỉ số cổ phiếu (như chiến lược phòng vệ vị thế mua - vị thế bán, phòng vệ chéo, đầu cơ chỉ số lên - chỉ số xuống, giao dịch chênh lệch giá).
Đồng tình với quan điểm cần phải có hệ thống quy trình về quản trị rủi ro, ông Lực đưa ra đề xuất, khung pháp lý sản phẩm phái sinh phải tạo ra được những rào chắn bảo vệ sự lành mạnh của thị trường, như chế tài xử phạt phải thực sự đủ mạnh đối với vi phạm trong cung cấp, giao dịch sản phẩm phái sinh…
Ngoài ra, các thành viên tham gia thị trường cần có cơ chế và các công cụ đánh giá , quản lý rủi ro và phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao (về vốn, công nghệ, quản trị rủi ro, minh bạch thông tin…).
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), để chuẩn bị hệ thống nhân sự, quy trình và hệ thống giao dịch, các thành viên thị trường cần nhận được những hướng dẫn chi tiết từ các Sở giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (như hệ thống tài khoản, cách thức quản lý, quy trình chuyển lệnh, xác nhận kết quả giao dịch, bù trừ thanh toán…).
Thêm vào đó, các thành viên cũng cần có thời gian tích hợp và cho chạy thử hệ thống để sẵn sàng tham gia khi thị trường chính thức vận hành./.
Theo Linh Chi
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/canh-bao-ve-rui-ro-tiem-an-tu-cac-san-pham-chung-khoan-phai-sinh-a9833.html