Dịch Covid-19: Hơn 12,8 triệu ca mắc, châu Mỹ vẫn là tâm dịch

(NĐ&ĐS) - Thế giới ghi nhận hơn 12,8 triệu ca Covid-19, gần 567.000 người chết, châu Âu gần như kiểm soát được tình hình trong khi châu Mỹ vẫn là tâm dịch.

Trong 24h qua, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 12.829.911 ca nhiễm và 566.986 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 228.122 và 5.278 trong 24 giờ qua, trong khi 7.471.320 người đã bình phục.

kenya-300620
Ảnh minh họa

Mỹ vừa ghi nhận thêm 59.566 ca mắc Covid-19 mới và 714 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.353.493 ca, 137.385 người đã tử vong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong chuyến thăm Trung tâm Y tế Walter Reed chiều 11/7 (giờ địa phương).

"Tôi nghĩ khi bạn ở trong một bệnh viện, đặc biệt là trong một nơi bạn trò chuyện với rất nhiều người lính và có một số trường hợp chỉ vừa phẫu thuật xong, đeo khẩu trang là một hành động cần thiết. Tôi chưa bao giờ chống lại việc đeo khẩu trang nhưng tôi tin là nên thực hiện đúng nơi và đúng lúc", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 35.512 ca nhiễm và 945 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.839.850 và 71.469. Tuy nhiên, do hạn chế xét nghiệm diện rộng, nhiều chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở đất nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo.

Bất chấp các ca nhiễm mới liên tục tăng cao, nhiều thành phố, bang ở Brazil vẫn dần mở cửa trở lại sau nhiều tháng sống dưới lệnh phong tỏa. Chính quyền bang Rio de Janeiro, một trong những vùng dịch lớn ở Brazil, cho phép các quán bar hoạt động từ đầu tháng. Trong khi tâm dịch Sao Paulo cũng cho phép quán bar, nhà hàng, thẩm mỹ viện mở lại vài ngày sau đó.

Peru ghi nhận thêm 3.064 ca nhiễm và 182 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 322.710 và 11.682, là vùng dịch lớn thứ năm thế giới. 

Chile xếp thứ sáu thế giới với 312.029 ca nhiễm và 6.881 ca tử vong, tăng lần lượt 2.755 và 100 ca so với hôm trước. Giới chức nước này hôm 8/7 lên kế hoạch nới dần các biện pháp phong tỏa, song cho biết vẫn rất thận trọng. 

Mexico ghi nhận 289.174 ca nhiễm và 34.191 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 6.891 và 665 ca. Thủ đô Mexico City là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, nhưng chính quyền thành phố đã bắt đầu mở cửa một phần kinh tế kể từ đầu tháng 7. Nhà hàng và quán bar được phép mở lại nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất trong khi trường học vẫn đóng cửa.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 188 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 11.205. Số ca nhiễm tăng 6.611, lên 720.547, đánh dấu ngày thứ 16 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Nga tuyên bố dịch bệnh trong tầm kiểm soát.

Các biện pháp hạn chế, gồm lệnh cấm các chuyến bay quốc tế, vẫn duy trì đến tháng 8. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đã được nới lỏng như cho phép các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa nối lại hoạt động với điều kiện tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.

 

Anh báo cáo thêm 820 ca nhiễm và 148 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 288.953 và 44.798. Thủ tướng Boris Johnson đang dần rút lại những lệnh hạn chế toàn quốc nhằm vực dậy nền kinh tế. Người nhập cảnh vào Anh từ hơn 50 quốc gia, chủ yếu là châu Âu, Australia và New Zealand, không phải tự cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Mỹ, Trung Quốc không nằm trong danh sách.

Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.397 ca nhiễm, nâng tổng số lên 255.117, trong đó người chết 12.635, tăng 188 ca so với hôm qua. Toàn bộ cửa hàng, quán bar, nhà hàng, phương tiện công cộng ở Iran đã mở cửa, tuy nhiên, trường học tại một số khu vực chưa hoạt động trở lại.

Chính phủ Iran hôm 11/7 cho biết họ không đủ khả năng để đóng cửa nền kinh tế vốn tổn thất nặng nề từ các lệnh trừng phạt, ngay cả khi tình hình dịch đang trở nên phức tạp với số ca nhiễm và ca tử vong do nCoV tăng cao.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.994 ca nhiễm và 30 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 229.480 và 2.181. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV cuối tháng 6. Tuy nhiên, chính phủ năm nay chỉ "cho phép 1.000 người hoặc ít hơn" tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân Arab Saudi mới có cơ hội.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận 27.755 thêm ca nhiễm và 543 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 850.358 và 22.687. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Đáng chú ý, trong 24h qua, Nam Phi ghi nhận tới 13.497 ca mắc mới và 111 trường hợp ca tử vong, chính thức lọt vào 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với 264.184 ca.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 74.018 ca nhiễm, tăng 1.671 trường hợp so với hôm qua, trong đó 3.535 người chết, tăng 66 ca. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho rằng ca nhiễm mới tăng nhanh do nhiều người không đeo khẩu trang khi đất nước mở cửa trở lại và nới phong tỏa.

Một số yếu tố xã hội cũng được cho là đã cản trở cuộc chiến chống dịch ở quốc gia 270 triệu dân này. Hàng trăm thương nhân ở Bali và Sumatra cuối tháng trước từ chối xét nghiệm, dù họ buôn bán tại các khu chợ đông đúc. Các chuyên gia và giới chức cho rằng họ có thể sợ bị kỳ thị và cách ly.

Trong khi đó, tại Sulawesi, rất nhiều thân nhân vẫn cố "trộm" thi thể người nghi nhiễm nCoV từ các bệnh viện để chôn cất theo nghi lễ tôn giáo thay vì xử lý theo quy tắc chống dịch.

 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 11/7 kêu gọi các nước đang đương đầu Covid-19 tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để ngăn chặn dịch.

PV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dich-covid-19-hon-128-trieu-ca-mac-chau-my-van-la-tam-dich-a9755.html