"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới"
Khi các nước trên thế giới bắt đầu nới lỏng những biện pháp hạn chế và một số khu vực đã chứng kiến sự gia tăng trở lại của số ca mắc Covid-19, câu hỏi đặt ra là liệu có phải đại dịch này đang bước vào làn sóng thứ 2 hay không?
Theo thống kê của Worldometers, tính tới ngày 30/6, đại dịch Covid-19 vốn khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến 10,3 triệu người mắc bệnh, hơn 503.000 người tử vong.
Chỉ riêng trong ngày 29/6, thế giới ghi nhận hơn 164.000 ca mắc mới và gần 3.500 ca tử vong. Trước đó, ngày 28/6, thế giới ghi nhận kỷ lục 189.000 ca mắc Covid-19 mới. Theo tính toán của Reuters, mỗi ngày thế giới có hơn 4.700 người tử vong vì Covid-19.
Trong khi Mỹ và Brazil tiếp tục là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, đại dịch này cũng đang diễn biến khó lường ở nhiều nước trên thế giới.
Tại châu Á, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ liên tiếp tăng kỷ lục. Trong vòng 24h qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 18.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên hơn 567.000 người, trong đó gần 17.000 người tử vong. Ấn Độ sẵn sàng đưa trung tâm điều trị Covid-19 quy mô hơn 10.000 giường bệnh vào vận hành.
Theo người đứng đầu WHO, với việc nhiều quốc gia trên thế giới gỡ bỏ phong toả, cùng tâm lý buông lỏng của người dân, đại dịch Covid-19 đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để bùng phát mạnh hơn và tồi tệ hơn cả giai đoạn đầu đại dịch.
"Mặc dù nhiều nước đã đạt được một số tiến triển, nhưng trên phạm vi toàn cầu, đại dịch thực sự đang tăng tốc. Tất cả chúng ta muốn chuyện này chấm dứt. Chúng ta muốn tiếp tục cuộc sống bình thường, nhưng một thực tế phũ phàng là đại dịch này chưa thể kết thúc sớm", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/6.
"Một số nước chứng kiến tình trạng số người mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại khi họ bắt đầu mở cửa kinh tế xã hội. Hầu hết mọi người vẫn rất dễ bị tổn thương. Vì vậy đại dịch này vẫn có nhiều cơ hội để bùng phát", ông Tedros nói.
Lãnh đạo WHO nhấn mạnh, các nước cần hợp tác với nhau, học hỏi kinh nghiệm chống dịch của nhau bởi việc “thiếu sự đoàn kết toàn cầu” đang cản trở các nỗ lực ứng phó toàn cầu. “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Tôi rất tiếc phải nói điều này nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi lo ngại điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hành động cùng nhau, đối phó với đại dịch nguy hiểm này”, ông Tedros nói.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp, nhấn mạnh nhân loại vẫn đang ở giữa đợt bùng phát đầu tiên. Trong khi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia đã suy yếu, số ca nhiễm mới ở nhiều nước Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi có chiều hướng gia tăng.
Ông Ryan cho biết các đại dịch thường kéo đến theo đợt. Như vậy, Covid-19 có thể quay lại vào cuối năm nay, tại những nơi "làn sóng" đầu tiên đã lắng xuống. Nếu các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ quá sớm, tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng trở lại.
"Chúng ta không thể mặc định rằng căn bệnh sẽ tiếp tục suy yếu chỉ vì nó đang tạm thời được khống chế ở một số quốc gia. Thế giới có vài tháng để sẵn sàng đối phó với làn sóng thứ hai, và dịch có thể tiếp tục đạt đỉnh một lần nữa", ông nói.
WHO cũng cho rằng các nước châu Âu và Bắc Mỹ nên tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và củng cố hệ thống y tế công cộng, kịp thời giám sát, sàng lọc, thực hiện các chiến lược toàn diện, đảm bảo số ca nhiễm mới giảm ổn định, để đỉnh dịch thứ hai không đến ngay lập tức.
Dịch cúm năm 1918, khiến 500 triệu người nhiễm và 50 triệu người chết, là ví dụ điển hình cho thấy các đại dịch tấn công nối tiếp nhau, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Làn sóng thứ 2 tái bùng phát vào mùa thu năm đó còn “chết chóc” hơn cả làn sóng thứ nhất chỉ trước đó vài tháng. Thậm chí một số nước còn chứng kiến làn sóng thứ 3 vào năm 1919.
Những bệnh truyền nhiễm sau này như cúm năm 1957 và 1968, cũng hình thành nhiều làn sóng. Dịch cúm A/H1N1 khởi phát tháng 4/2009, sau đó lây lan lần thứ hai ở Mỹ và vùng bắc bán cầu mùa thu năm đó.
Theo John Mathews, Giáo sư danh dự tại Đại học Melbourne, làn sóng thứ 2 kiểu như cúm có thể xảy ra do sự biến đổi ở virus gây bệnh hoặc sự thay đổi trong hành vi của con người.
Cụ thể với dịch cúm 1918, sự biến đổi của virus được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng thứ 2. Sau làn sóng thứ nhất, cơ chế miễn dịch đã hình thành ở một tỷ lệ dân số đủ nhiều để khiến virus gây bệnh phát sinh “phản ứng tránh miễn dịch” hay biến đổi, và tiếp tục tác động đến con người.
“Chúng tôi không nghĩ điều tương tự đang xảy ra với dịch Covid-19 ở giai đoạn hiện nay”, ông Mathews nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng thấy lịch sử làn sóng thứ 2 của đại dịch cúm 1918 nhiều khả năng đang lặp lại với Covid-19.
“Gần như chắc chắn có thể nói rằng làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 sẽ tới, vì chúng ta sẽ không thể có vaccine ngừa bệnh trong ngày một ngày hai”, Gabriel Leung, chủ nhiệm khoa Y học tại Đại học Hong Kong cho biết trong một hội thảo trực tuyến đầu tháng này.
Quang Minh (Theo CNBC, Reuters, AFP)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/who-canh-bao-dieu-toi-te-nhat-cua-dai-dich-covid-19-van-o-truoc-mat-a9743.html