Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo và các mối đe dọa đối với dân thường trong khu vực xảy ra xung đột.
Tuyên bố nêu rõ: "Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công này và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút khỏi lãnh thổ Syria".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết,lll nước này có kế hoạch thúc đẩy đối thoại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria, chính thức bắt đầu cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các chiến binh người Kurd.
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cùng ngày cho rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Syria là "không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi lập tức chấm dứt chiến dịch này.
Phát biểu bên lề một hội nghị ở Rome, Ngoại trưởng Di Maio nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án hành động này... do hành động quân sự trong quá khứ luôn dẫn đến tình trạng khủng bố gia tăng. Chúng tôi kêu gọi lập tức chấm dứt cuộc tấn công hoàn toàn không thể chấp nhận này, do việc sử dụng vũ lực tiếp tục gây nguy hiểm cho mạng sống của người dân Syria, những người vốn đã phải hứng chịu thảm kịch trong những năm gần đây".
Xuất hiện trong buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm vào tối 13/10 tại Phủ Tổng thống Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều cho rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria đang tạo ra nhiều nguy cơ cho khu vực về một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời khiến cho nhóm khủng bố IS trỗi dậy trở lại trong khu vực.
Trong hai ngày qua, Đức, Pháp và một số nước châu Âu khác đã tuyên bố ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời dự định tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung trong những ngày tới nếu Thổ Nhĩ Kỳ không xuống thang.
Ngày 13/10, chính quyền người Kurd ở miền Bắc Syria đã thỏa thuận với chính quyền Damascus về việc triển khai các binh sỹ của Chính phủ Syria tới gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với cuộc tấn công quân sự của Ankara. Động thái này diễn ra khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ 1.000 binh sỹ Mỹ khỏi khu vực miền Bắc Syria.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nước trong khu vực cũng như các nước phương Tây do lo ngại cuộc tấn công sẽ khiến các phần tử thánh chiến bị lực lượng người Kurd giam giữ tại khu vực này trốn thoát và tập hợp lực lượng trở lại.
Quang Minh (t/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhieu-nuoc-keu-goi-tho-nhi-ky-ngung-chien-dich-quan-su-tai-syria-a9545.html