Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau các vụ tấn công vào một số tàu chở dầu và Tehran đưa ra tuyên bố về việc đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani.
Trong bài phỏng vấn được đăng tải trên tạp chí Time vào hôm qua (18/6), Tổng thống Mỹ bày tỏ thái độ căng thẳng khi gọi Iran là một "quốc gia khủng bố" và cho biết, ông đã chuẩn bị triển khai hành động quân sự để ngăn chặn Iran có được một quả bom hạt nhân: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với Iran. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Nếu bạn nhìn vào những gì họ đã làm. Tôi không chỉ nói về những gì họ đã làm trong một tuần qua. Mà tôi đang nói về cả một giai đoạn kéo dài suốt nhiều năm".
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng khẳng định Mỹ phải có năng lực đối phó với mọi cuộc tấn công của Iran vào các lợi ích của nước này.
Bình luận của ông Pompeo được đưa ra tại trụ sở Bộ Chỉ huy Trung tâm, cơ quan quản lý các lực lượng Mỹ tại Trung Đông, ở bang Florida một ngày sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố tiếp tục điều động thêm 1.000 quân tới Trung Đông để đối phó với điều mà Washington gọi là ‘thái độ thù địch của Tehran”.
Ông Pompeo nhấn mạnh hoạt động triển khai này sẽ “thuyết phục chính quyền Hồi giáo Iran tin rằng chúng ta nghiêm túc và nhằm ngăn chặn họ”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cho biết chuyến đi của ông tới Tampa là nhằm mục đích “đạt được các mục tiêu chiến lược” đã được Tổng thống Trump đặt ra.
Trong khi đó, trước các lời đe dọa quân sự của Mỹ, Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 18/6 khẳng định các lên lửa đạn đạo của nước này có thể đánh trúng “các tàu sân bay trên biển” với độ chính xác cao.
Phát biểu trên truyền hình, Chuẩn tướng Hossein Salami nói rằng: “Các tên lửa này có thể đánh trúng các tàu sân bay trên biển với độ chính xác cao. Các tên lửa này được sản xuất trong nước và rất khó bị đánh chặn bằng các tên lửa khác”.
Ông Salami cũng cho rằng công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran đã làm thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông.
Iran cho đến giờ vẫn bác bỏ cáo buộc liên quan đến diễn biến này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 18/6 nhấn mạnh, nước này sẽ không phát động chiến tranh nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Trong phát biểu được phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình quốc gia Iran, Tổng thống Rouhani nói:
"Iran sẽ không phát động chiến tranh với bất kỳ nước nào. Những người đang đối đầu với chúng ta là một nhóm chính trị gia hầu như không có kinh nghiệm. Mỹ sẽ thất bại trong nỗ lực cắt đứt quan hệ giữa Iran và các nước khác trên thế giới.”
Căng thẳng Mỹ – Iran đang gia tăng và hai bên thậm chí có nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp kể từ khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran tấn công 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hồi tuần trước. Ngày 17/6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố Washington sẽ triển khai thêm 1.000 binh sỹ đến Trung Đông.
Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ xuống dốc nghiêm trọng sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 năm ngoái rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân quốc tế mà Iran ký với Nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) năm 2015. Sau đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran ngày 8/5 vừa qua tuyên bố giảm bớt một số cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân, và ấn định thời hạn 2 tháng châu Âu phải đảm bảo lợi ích của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận.
Một cuộc xung đột lớn có thể chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ ổn định. Nền kinh tế Iran đang vô cùng khó khăn và hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt từ các nước châu Âu – các quốc gia dù muốn ủng hộ Iran nhưng lại lo sợ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Doanh thu dầu mỏ của Iran sụt giảm nghiêm trọng và việc chờ đợi Tổng thống Trump không thực sự là một chiến lược hay một phương tiện để giảm sức ép của các lệnh trừng phạt. Do đó, Iran đe dọa khởi động lại chương trình hạt nhân, làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ hoặc đe dọa sự ổn định khu vực để mặc cả với Tổng thống Trump nhằm đổi lại sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt về kinh tế.
Đối với chính quyền Tổng thống Trump, một chiến lược để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại vẫn chưa rõ ràng, thậm chí người ta còn không rõ liệu có một chiến lược nào như vậy hay không. Tổng thống Trump có thể không muốn chiến tranh và muốn giải quyết căng thẳng với Iran qua đàm phán nhưng các quan chức cấp cao của ông như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton thì nghĩ khác.
Ông Bolton cho rằng Iran là một mối đe dọa và việc điều quân tới Trung Đông là một biện pháp để răn đe. Chính quyền Mỹ khẳng định mục tiêu của mình là đưa Iran trở lại bàn đàm phán để bắt đầu một thỏa thuận mới nhưng Washington liệu có sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ như phía Tehran yêu cầu? Và liệu Iran có còn hứng thú một cuộc đàm phán với Mỹ?
Ở mức độ tối thiểu, Iran và Mỹ đều vô cùng cần một đường dây nóng để giảm xung đột giữa các lực lượng quân sự và tránh leo thang nghiêm trọng giữa 2 nước. Nhưng thực tế là Iran đã từ chối đàm phán với Mỹ bởi Tehran cho rằng đó là một dấu hiệu của sự yếu đuối và nhượng bộ. Tổng thống Trump – người luôn tìm kiếm các cuộc đàm phán cũng phải thừa nhận rằng do những căng thẳng gần đây mà hiện tại chưa phải thời gian thích hợp cho một thỏa thuận.
Sức ép tối đa đã đưa Mỹ đến “bờ vực” chiến tranh với Iran. Nếu chiến tranh không phải điều Tổng thống Trump mong muốn, ông sẽ phải hành động để thay đổi.
Quang Minh (t/h)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tong-thong-trump-chuan-bi-trien-khai-luc-luong-de-ngan-chan-iran-a9359.html