Tên lửa Trung Quốc vỡ vụn trong vụ phóng thất bại vệ tinh tối mật

Trung Quốc hôm 23/5 vừa thất bại khi phóng tên lửa Long March 4C và vệ tinh vào không gian. Sau vụ phóng tên lửa thương mại hồi tháng 3, đây là lần thất bại thứ hai trong năm nay.

Theo Business Insider, trước vụ phóng Long March 4C, Trung Quốc thông báo đóng cửa không phận và các biện pháp an toàn khác. Tuy nhiên, như thường lệ, Bắc Kinh không chính thức tuyên bố về hoạt động này.

Tên lửa Long March 4C được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây vào khoảng 6h49, theo giờ địa phương. Nhưng chỉ sau vài phút, video và hình ảnh được đăng lên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy tên lửa bất ngờ đổi hướng.

Sau đó, hàng loạt đám mây khói ngoằn ngoèo xuất hiện trên bầu trời và video trên mạng xã hội Weibo cho thấy một chấm trắng nhỏ nhanh chóng rơi xuống mặt đất.

ten-lua-trung-quoc
Một trong những tên lửa Long March-4C của Trung Quốc được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở phía bắc tỉnh Sơn Tây vào ngày 27/5/2008. Ảnh: Xinhua.

"Nhờ có video và hình ảnh trên mạng xã hội, chúng ta có thể theo dõi sự kiện này và liên kết các tư liệu với nhau", Andrew Jones từ trang SpaceNews viết trên Twitter hôm 23/5. 

Khoảng 15 giờ sau vụ phóng, Tân Hoa Xã xác nhận nhiệm vụ này đã thất bại. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết giai đoạn một và hai của quá trình phóng tên lửa diễn ra suôn sẻ, nhưng vấn đề nảy sinh ở giai đoạn ba, khi tên lửa được đẩy lên cao nhất để chuẩn bị bay vào quỹ đạo.

Tân Hoa Xã cho biết thêm theo quan sát, mảnh vỡ của tên lửa đã rơi trở lại Trái Đất. Trước đó, hình ảnh trên Twitter cho thấy những mảnh vỡ, bao gồm nhiều mảnh vật liệu tổng hợp bằng sợi carbon và tấm kim loại, rơi xuống các thị trấn và làng mạc hẻo lánh.

Trung Quốc từng nhiều lần phóng thành công các tên lửa Long March 4C đưa vệ tinh, tàu thăm dò và các thiết bị khác vào không gian. Lần phóng tên lửa Long March 4C thất bại cuối cùng và duy nhất được biết đến là vào tháng 8/2016. 

Trong khi đó, vụ phóng hôm 23/5 có mục đích đưa tàu vũ trụ Yaogan-33 vào quỹ đạo. Theo mô tả của các cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, tàu vũ trụ Yaogan là vệ tinh thăm dò đất và phục vụ mục đích nông nghiệp. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây lại có quan điểm khác. 

"Các nhà phân tích ngoài Trung Quốc cho rằng các vệ tinh này là vệ tinh radar khẩu độ phục vụ mục đích trinh sát quân sự", Jones viết trên SpaceNews.

Theo Zing

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ten-lua-trung-quoc-vo-vun-trong-vu-phong-that-bai-ve-tinh-toi-mat-a9319.html