Phía nam tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) có rất nhiều cổ vật dưới lòng đất. Nơi đây không chỉ có khu di tích của thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ Hạ - Thương - Chu, mà còn có quần thể mộ cổ của các nhà Hán, Đường, Tống, Thanh và các thị trấn cổ có lịch sử văn hoá lâu đời như thị xã Hầu Mã, huyện Văn Hỷ... Tại các nơi này đều có nhiều cơ quan chuyên trách bảo vệ cổ vật văn hoá.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhóm trộm mộ ở khu vực Tấn Nam hoành hành ngang ngược. Tại xã Hầu Mã, các tập đoàn băng đảng tội phạm hình thành nhanh chóng. Khét tiếng nhất phải kể đến Hầu Bách Vạn, Quách Thiên Vạn. Chúng chuyên đào mộ, trộm cắp, buôn bán phi pháp cổ vật quốc gia.
Giữa thập niên 90, tại khu vực Tấn Nam tỉnh Sơn Tây, công an đã triển khai một cuộc càn quét lớn, bắt được các tên trùm sò của băng đảng Hầu gia, Quách gia là Hầu Lâm Sơn và Quách Bỉnh Lâm. Chúng đều bị xử tử hình.
Mặc dù một số tên vẫn còn "lọt lưới" nhưng lúc bấy giờ, "nghề trộm mộ" ở vùng này được xem đã bị xóa sổ.
Trong số những tên "lọt lưới" có Hầu Kim Phát. Hắn là 1 trong 10 tên tội phạm trộm mộ nguy hiểm nhất.
Hầu Kim Phát cùng người anh em Hầu Kim Hải chiêu mộ thêm đồng bọn, lập lại băng đảng trộm mộ.
Hầu gia cậy mình có thế lực lớn ở địa phương, nên đã lũng đoạn cả thị trường cờ bạc, buôn bán ma túy, chiếm dụng khoáng sản, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, áp bức cư dân trong vùng. Chỉ cần nơi nào kiếm được tiền, anh em Hầu gia ắt có mặt.
Nhóm này thực chất là một băng đảng mafia nguy hiểm. Dân chúng trong huyện cứ nghe đến băng đảng Hầu gia là ai nấy đều tái mặt vì khiếp sợ.
Từ năm 1993, anh em Hầu gia đã thu nạp nhiều cao thủ để lập nên đường dây trộm mộ và buôn bán cổ vật trái phép tại địa phương.
Theo lời khai của một thành viên, ngoài việc truy tìm mộ cổ, họ còn phải tìm thị trường tiêu thụ và dùng bạo lực để chiếm lĩnh địa bàn. Chẳng hạn khi Hầu gia chiếm lĩnh quần thể mộ cổ của nhà Thương tại thôn Tửu Vụ Đầu (miền Trung tỉnh Sơn Tây), họ đã bạo chiếm vùng này, ăn dầm nằm dề ở đây.
Trình độ đào mộ của nhóm này ngày càng được nâng cấp chuyên nghiệp. Nếu xưa họ chỉ dùng xẻng để đào thì giờ biết dùng thuốc nổ để phá mộ. Ngoài ra, còn có cả thiết bị quan trắc do thám xem mộ nằm ở vị trí nào.
Khi tìm được mộ, họ sẽ tạo 1 lỗ nhỏ dưới đất bên cạnh mộ để đổ đầy thuốc nổ vào. Sau khi kích nổ, đất xung quanh mộ văng ra. Chính giữa sẽ xuất hiện một cái hố có đường kính khoảng nửa mét, đó chính là huyệt đạo để xuống mộ. Thông qua huyệt đạo này, "ông chủ" sẽ cử “nhân công” xuống lấy "hàng".
Những người được thuê đi trộm mộ đa phần là người nghèo, không có trình độ văn hoá cũng như ý thức về pháp luật. Họ chỉ là những người lao động chân tay, làm công ăn lương.
Để người làm thuê không cất giấu đồ trộm được, ông chủ thường cử thêm một người giám sát.
Sau khi trộm hết cổ vật, ông chủ mua lại với giá rẻ, đem đi bán với giá cao.
Mỗi khi trộm cổ vật dưới mộ, họ dùng đất lấp mộ lại để khỏi bị phát hiện. Chỉ có cao thủ mới có thể làm được việc phá mộ mà không ảnh hưởng đến cổ vật bên trong.
Để bảo vệ kho báu quốc gia, huyện Văn Hỷ lập ra đội công an chuyên trách phòng chống tội phạm ăn trộm cổ vật. Nhưng vì lợi ích kinh tế cá nhân, một số công an chuyên trách đã đứng ra bảo vệ cho chính tội phạm trộm mộ.
Theo điều tra, băng đảng trộm mộ sở dĩ ngày càng hùng mạnh, có thể hoạt động tự do thoải mái áp bức cư dân trong vùng, cũng nhờ có những thành phần này.
Kẻ cầm đầu trong số đó là Phó Công an huyện Văn Hỷ - Cảnh Ích Dân. Ông Cảnh đã chỉ đạo hai công an tuần tra là Lý An Cát và Lý Hiểu Đông nới lỏng khu bảo vệ mộ cổ mộ. Vị này đã bao che cho những người trộm mộ tổng cộng 15 lần.
Ngoài việc "bảo kê" cho tội phạm, những công an chuyên trách còn đích thân đi "giám sát" công việc trộm mộ, tổ chức các lần đào mộ.
Cảnh Ích Dân còn chiêu mộ nhân tài, các chuyên gia trộm mộ, biến quần thể mộ nhà Đông Chu thành sân sau của mình. Ông ta tổ chức đào mộ trái phép 11 lần, rồi đem cổ vật đào được buôn bán phi pháp.
Trong 4 anh em họ Hầu, lão nhị Hầu Kim Phát là tên tội phạm trộm mộ khiến cho công an luôn cảm thấy đau đầu nhất.
Năm 1995, tên này trốn thoát thành công. Nhiều năm sau, Hầu Kim Phát núp bóng một nhà doanh nghiệp hiển hách ở địa phương, thường xuyên ra vào công an huyện.
Thế nhưng, đến năm 2016, việc làm trên của Hầu Kim Phát đã phải chấm dứt. Hắn cùng 3 người anh em khác lần lượt bị bắt giữ. Trước đó, nhân viên điều tra vụ việc này đã phát hiện ra một nghi phạm, do tên này thường xuyên liên lạc nội bộ với công an huyện.
Tối 6/3/2016, nhân viên điều tra phát hiện xe của nghi phạm trên đường cao tốc. Công an địa phương đã phối hợp nhịp nhàng, cùng nhau chĩa súng vào tên tội phạm. Đó chính là Hầu Kim Phát.
Ngày 6/3 trở thành một cột mốc quan trọng trong chuyên án 603 của Công an Sơn Tây. Vụ án cũng là khởi đầu cho cuộc chiến quét mafia trừ bạo ở tỉnh Sơn Tây.
Sau khi đánh sập băng đảng trộm mộ ở huyện Văn Hỷ, công an đã triển khai truy hồi lại cổ vật.
Số cổ vật tìm lại được lên đến gần 2.900 cổ vật. Trong đó có 24 cổ vật là bảo vật quốc gia cấp độ 1, 59 cổ vật cấp độ 2, 135 cổ vật cấp độ 3.
Nghi phạm liên quan đến vụ án lên đến 466 người. Tổng thời gian họ phạm pháp kéo dài đến hơn 20 năm. Thiệt hại từ vụ việc lên đến hơn 220 triệu nhân dân tệ.
Băng đảng trộm mộ huyện Văn Hỷ ngoài 4 anh em họ Hầu còn 5 tên tội phạm khác.
Tháng 9/2018, TAND Cấp cao tỉnh Sơn Tây phán quyết băng đảng Hầu gia tổng cộng 16 tội danh. Ngoài 1 tên tử hình, 4 tên bị tù chung thân, tòa còn tuyên 4 tên tù có thời hạn.
Bên cạnh đó, 17 nhân viên công an tiếp tay, bao che tội phạm trộm mộ bao gồm: Phó Công an huyện Cảnh Ích Dân, cựu Phó Công an huyện Trường Kim Dũng, đều bị bắt và xét xử theo pháp luật. Trong đó có 4 công an bị tù chung thân, còn lại bị tù từ 2 đến 20 năm.
Vụ án trộm mộ ở tỉnh Sơn Tây cuối cùng đã khép lại sau hơn 20 năm. Nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi về khối tài sản kếch xù của Hầu gia lên đến con số bao nhiêu?
Theo Zing
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bang-dang-khet-tieng-dao-trom-mo-gay-chan-dong-trung-quoc-a9184.html