Vì sao Paris 'bốc cháy'?

Làn sóng biểu tình "Áo vàng" của "một nước Pháp khác" suốt 3 tuần qua đã quét qua khắp các ngả đường Paris với bầu không khí đầy khói lửa, phẫn nộ và oán hờn.

Họ là ai? Tại sao họ lại trở thành thử thách cam go nhất hiện nay của Tổng thống Emmanuel Macron.

Vì sao Paris 'bốc cháy'?
Người biểu tình đối mặt với hơi cay ở Paris hôm 1/12. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, hôm 3/12, đã gặp gỡ phe đối lập khi giới chức Pháp đang chật vật tìm cách tháo gỡ bế tắc và dập tắt các cuộc bạo loạn được đánh giá là tồi tệ nhất ở Paris kể từ sau phong trào biểu tình của sinh viên tháng 5/1968.

Cứ cuối tuần, người biểu tình Áo vàng lại đổ ra đường. Ở nhiều nơi, họ đập phá đồ đạc, đốt cháy xe cộ, đụng độ với cảnh sát. Bạo loạn đã làm tê liệt nhiều dịch vụ như giao thông, khách sạn, siêu thị... và khiến giới đầu tư hoảng sợ.

Hôm 2/12, Tổng thống Macron đã triệu tập một cuộc họp của Nội các và cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp - lần thứ 3 trong những năm gần đây sau vụ tấn công khủng bố táo tợn hồi tháng 11/2015 và làn sóng biểu tình của người trẻ ở các khu ngoại ô nghèo năm 2005.

Điều gì đang xảy ra ở Pháp?

Ngày 17/11, gần 300.000 người ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn trên khắp nước Pháp tham gia vào làn sóng biểu tình lớn do các tài xế mặc áo vàng dẫn dắt. Họ phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ, đặc biệt là các mức thuế xăng dầu tăng cao mà Tổng thống Macron đã thông báo đầu năm nay.

Biểu tình lúc đầu được huy động trên mạng, nhưng nhanh chóng leo thang khi những người tham gia tràn ra đường phố và các địa điểm giàu có nhất, mang tính biểu tượng nhất của Pháp. Họ không ngại đối đầu với hơi cay, vòi rồng, đạn cao su và lựu đạn khói của cảnh sát để bám trụ vị trí.

Ngày 2/12, những người Áo vàng phong tỏa nhiều tuyến cao tốc chính ở miền nam nước Pháp và lối vào kho nhiên liệu chủ chốt gần Marseille.

Sau cuộc họp với Thủ tướng Philippe Laurent Wauquiez ở Paris, lãnh đạo đảng trung - hữu Những người Cộng hòa (Les Republicains) thông báo chính phủ không đánh giá đúng mức độ giận dữ của người dân – và tuy có nhượng bộ sẽ tổ chức thảo luận ở Quốc hội, nhưng "điều chúng tôi cần là những cử chỉ làm nguôi cơn giận, và những cử chỉ đó phải xuất phát từ một quyết định mà tất cả người Pháp đang chờ đợi: Bỏ thuế nhiên liệu".

Đến nay đã có 3 người thiệt mạng, hơn 260 người bị thương và 400 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp.

Những người Áo vàng là ai?

Những người ủng hộ phong trào Áo Vàng chủ yếu là dân thường thuộc các tầng lớp lao động và trung lưu. Tuy nhiên, cũng có không ít các thành phần được xác định là cực đoan. Họ thuộc mọi lứa tuổi, chủ yếu đến từ bên ngoài các thành phố lớn.

Phong trào của họ bắt đầu một cách tự phát - thậm chí sau 3 tuần trôi qua, những người Áo vàng vẫn chưa có thủ lĩnh rõ ràng nào, ngoại trừ 8 phát ngôn viên bán chính thức chuyên cung cấp thông điệp cho truyền thông. Sự vắng bóng ngôi vị thủ lĩnh phong trào càng khiến cho chính phủ gặp khó khăn khi xử lý bạo loạn. Phong trào tiếp tục dựa vào mạng xã hội để tổ chức và vận động.

Họ bị thúc ép như thế nào? 

Những người tham gia biểu tình đều thuộc diện bị ảnh hưởng cuộc sống vì giá cả tăng cao. Họ thậm chí không được gọi là nghèo nếu đem so với hàng triệu người dân ở nhiều nước khác.

Một báo cáo của New York Times đánh giá tình trạng của họ là không quá nghèo nhưng khó khăn ở các thành phố, thị trấn, làng mạc nhỏ bé – mà hiện nay đang được nhắc đến là "một nước Pháp khác", tương phản với những con đường và tòa nhà tráng lệ của Paris.

Người biểu tình đổ ra đường phần lớn đều tức giận trước giá xăng dầu tăng cao và thực trạng bất bình đẳng ngày càng nới rộng trong xã hội. Họ phẫn nộ và trút giận vào những người mà họ nghĩ là hưởng lợi từ thực trạng này.

Khi phong trào lan rộng hơn, người biểu tình dồn sự phản đối sang Tổng thống Macron và các chính sách của ông. Họ đòi ông từ chức, và nói đến "cuộc cách mạng".

Sự ủng hộ của dân chúng dành cho người biểu tình rất cao: 70% người được hỏi trong cuộc thăm dò ý kiến mà Harris Interactive tổ chức sau làn sóng bạo loạn hôm thứ Bảy vừa qua nói họ ủng hộ Áo vàng. Còn theo một cuộc khảo sát của Elabe, con số này là gần 75%, với hơn một nửa trong số đó là những người bỏ phiếu cho ông Macron.

Vì sao Paris 'bốc cháy'?
Ảnh: EPA

Ngày 3/12, ở Nice có tới 1.000 học sinh - nhiều em cũng mặc áo vàng – giương cao khẩu hiệu "Macron hãy từ chức!". Khoảng 100 trường học trên cả nước phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần, vì sinh viên đi biểu tình phản đối yêu cầu đầu vào đại học - một lý do không liên quan gì đến Áo vàng.

Nghiệp đoàn lớn nhất Pháp là CGT kêu gọi biểu tình rộng khắp vào ngày 14/12 để yêu cầu "lập tức" tăng lương tối thiểu, lương hưu và phúc lợi xã hội. CGT tuyên bố họ chia chung cơn giận của phong trào Áo vàng

Sự nghiệp chính trị của ông Macron bị ảnh hưởng?

Tăng thuế xăng dầu là một phần trong chiến dịch nhiên liệu sạch của Tổng thống Macron, nhằm chống lại biến đổi khí hậu, bằng cách khuyến khích dùng các mẫu xe ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với các phương tiện chạy bằng diesel. Đây là một mục tiêu chính sách mà ông tuyên bố sẽ không từ bỏ.

Ngày 1/12, Macron cáo buộc người biểu tình muốn gây hỗn loạn, khẳng định rằng "không có lý do nào biện minh cho việc các nhà chức trách bị tấn công, các doanh nghiệp bị cướp bóc, còn người qua đường và phóng viên bị đe dọa...". Nhà lãnh đạo Pháp tỏ ra không nhượng bộ, với quyết tâm theo đến cùng những chủ trương cải cách phức tạp đã đặt ra.

Nhưng phe Áo vàng là thách thức theo một kiểu rất khác, vì họ không có thủ lĩnh chính thức, không tổ chức và không phe cánh chính trị. Các chuyên gia khoa học xã hội nhận định, một phong trào vượt quá những khác biệt chính trị là rất nguy hiểm đối với Tổng thống Macron.

Theo Thanh Hảo / Vietnamnet

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/vi-sao-paris-boc-chay-a9004.html