“Con số thương vong sẽ tiếp tục tăng”, AFP dẫn lời ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia, hôm 30/9. “Hôm nay chúng tôi sẽ bắt đầu chôn cất tập thể các nạn nhân, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”.
Con số người chết chính thức do chính quyền thông báo đến lúc này là 832, trong khi AFP đưa tin 1.200 người được xác định đã thiệt mạng.
Lực lượng cứu hộ trên đảo Sulawesi đang chạy đua với thời gian và cố gắng khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị nhằm cứu những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Tại riêng một khách sạn ở thành phố Palu, 60 người có thể còn đang mắc kẹt. Nhân viên cứu hộ cho biết họ nghe thấy tiếng nói và tiếng trẻ con khóc.
Trên Twitter, người phát ngôn của cơ quan ứng phó thảm họa khuyến cáo người dân cảnh giác với các dự báo giả về sóng thần và động đất đang xuất hiện trên mạng xã hội.
Những người sống sót đang đối mặt với liên tiếp 3 đêm ngủ ngoài trời. Trong tình cảnh khó khăn, họ đi “hôi của” để có được nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống và xăng dầu. Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài hứa bồi thường cho các chủ cửa hàng.
“Hãy ghi lại mọi thứ bị mất, kiểm kê hàng hóa. Chúng tôi sẽ chi trả cho tất cả”, Bộ trưởng An ninh Wiranto nói.
Anh Adi, một người sống sót, kể lại rằng anh và vợ đang ở gần bãi biển khi sóng thần ập vào hôm 28/9. Như vô số người khác, anh không biết vợ đang ở đâu và liệu còn sống hay không.
“Khi cơn sóng đến, tôi mất cô ấy. Tôi bị cuốn đi khoảng 50 m, không thể bám vào bất cứ thứ gì. Sáng nay tôi trở lại bãi biển và tìm thấy chiếc xe máy cùng ví của vợ”, anh nói.
Trong lúc đó, những người sống sót tại Indonesia cũng đang đi tìm người thân ở các nhà xác dựng tạm, nơi nhiều thi hài nằm chờ được định danh.
Chiều 30/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới thăm khu vực bị ảnh hưởng, thúc giục nỗ lực “ngày đêm” để giải cứu những người sống sót. Tuy nhiên, người phát ngôn Nugroho cho rằng chỉ sức mạnh ý chí có thể là không đủ.
“Liên lạc bị hạn chế, thiếu máy móc hạng nặng... không đủ so với số những tòa nhà đã sụp đổ”, ông nói.
Dẫu tình hình tại thành phố Palu đang rất nghiêm trọng, ít nhất mọi thứ đã rõ ràng. Trong khi đó, tại những vùng xa, số phận của hàng nghìn người vẫn còn chưa được xác định.
Phó tổng thống Jusuf Kalla cảnh báo con số thương vong cuối cùng tại phía bắc đảo Sulawesi có thể là “hàng nghìn” người do lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận một số khu vực. Giám đốc tổ chức Save The Children Tom Howells cho biết việc tiếp cận đang là “vấn đề lớn” cản trở nỗ lực cứu hộ.
“Các tổ chức cứu trợ và chính quyền địa phương đang cố gắng tiếp cận cộng đồng người dân ở quanh Donggala. Chúng tôi dự đoán đây có thể là nơi chịu thiệt hại và thương vong lớn trên diện rộng”, Howells nói.
Theo cơ quan ứng phó thảm họa, khoảng 71 người nước ngoài có mặt tại Palu khi động đất xảy ra. Hầu hết đều đã an toàn. Ba công dân Pháp và một công dân Hàn Quốc, có thể đã ở tại một khách sạn bị sập, hiện chưa rõ tung tích.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại nghiêm trọng ở một số bến cảng lớn. Tàu thuyền bị sóng đánh vào bờ, nhiều cây cầu đổ nát và các container vận chuyển hàng hóa nằm ngổn ngang. Tuyến giao thông chính bị hư hại nặng nề và sạt lở cục bộ.
“Mọi người ở đây cần được cứu trợ thức ăn, nước sạch”, Anser Bachmid, cư dân 39 tuổi tại Palu, nói.
Trận động đất 7,5 độ kéo theo sóng thần ập vào bờ biển Palu hôm 28/9. Động đất đã ảnh hưởng tới cả Makassar, thành phố lớn nhất ở phía nam đảo Sulawesi, và Kalimantan, phần lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo. Khoảng 2,4 triệu người được cho là đã cảm nhận được cơn địa chấn.
Theo Ngọc Hà
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/indonesia-phai-chon-cat-tap-the-nan-nhan-vu-dong-dat-song-than-a8914.html