Bão đổ bộ vào khoảng 7h15 ngày 14/9 tại Wilmington, bang North Carolina với cường độ cấp 1, cấp thấp nhất trong thang đo 5 cấp của Mỹ. Bão di chuyển với tốc độ chậm và đến tối suy yếu thành một cơn bão nhiệt đới, theo New York Times.
Dự báo thời tiết cho hay bão có thể gây mưa với lượng lên đến hơn 1 m tại nhiều khu vực trong những ngày tới. "Lượng mưa này có thể gây ngập kinh hoàng và kéo dài tình trạng lũ trên sông", Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ cảnh báo.
Thống đốc bang North Carolina Roy Cooper lưu ý tình trạng ngập và lũ trên sông sẽ kéo dài trong nhiều ngày tại các vùng trũng thấp. "Đây là con súc vật không mời và nó sẽ không dễ dàng bỏ đi", ông nói trên chương trình Today của NBC News.
Quan chức xác nhận ít nhất 5 người thiệt mạng vì cơn bão. Lực lượng cứu hộ đã mất hàng giờ để tiếp cận một người mẹ và đứa con sơ sinh thiệt mạng vì cây ngã làm sập mái nhà ở Wilmington. Họ qua đời trước khi được giải cứu.
"Kích cỡ to lớn của cái cây là thứ mà bạn không thể nhanh chóng dùng cưa để cắt xẻ", J.S. Mason, đội phó đội cứu hỏa ở Wilmington, nói với New York Times. "Đó là một vụ giải cứu rất khó khăn cần đến một số thiết bị kỹ thuật". Người bố của đứa trẻ được đưa đến bệnh viện với các chấn thương chưa xác định.
Một người phụ nữ ở Hampstead (hạt Pender, North Carolina), qua đời vì nhồi máu cơ tim vào sáng 14/9. Đội cứu hộ sau khi nhận được điện thoại khẩn cấp đã cố tìm đến nhà của người phụ nữ này nhưng mất nhiều thời gian vì cây cối ngã đổ chặn lối đi.
Hai người khác, đều ở độ tuổi 70, sống tại hạt Lenoir, North Carolina, thiệt mạng trong cơn bão. Một người thiệt mạng khi cố nối dây điện ở bên ngoài khi trời mưa. Người còn lại chết trong khi đi ra ngoài để kiểm tra những con chó của ông và bị gió thổi đi.
"Chúng tôi thành tâm chia sẻ với gia đình những người thiệt mạng trong cơn bão", Thống đốc Cooper nói. "Bão Florence sẽ tiếp tục gây ra gió mạnh trên toàn bang trong những ngày tới. Hãy cực kỳ cẩn trọng và theo dõi tình hình".
Tại thành phố New Bern, nơi bị ngập nghiêm trọng vì nằm tại nơi hợp lưu giữa hai con sông, việc cứu hộ diễn ra xuyên đêm. Tính đến chiều 14/9, hơn 360 người được đưa đến nơi an toàn nhưng vẫn còn hơn 140 người bị mắc kẹt. "Khu trung tâm về cơ bản là hoàn toàn chìm dưới nước", một quan chức địa phương mô tả.
Quan chức và đội cứu hộ ở New Bern đã đến các khu dân cư trũng thấp để kêu gọi người dân sơ tán và đưa họ đến nơi ở tạm. Khoảng 70% rời đi, theo ước tính của thị trưởng. "Với rất nhiều người, đây là cả cuộc đời họ và họ có niềm tự hào, họ không muốn rời đi", một quan chức nói.
"New Bern chưa bao giờ chứng kiến con bão thế này từ những năm 1950", Dana Outlaw, thị trưởng thành phố nhỏ ở North Carolina, nói với New York Times. "Tôi nghĩ mọi người chỉ đơn giản nghĩ là chuyện như vậy sẽ không xảy ra".
Nhiều cư dân địa phương nói họ chưa từng chứng kiến cảnh ngập nặng như vậy trong nhiều chục năm qua tại New Bern, một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. "Nước dồn lại, không có nơi nào để chảy", chuyên gia thời tiết Steve Staff của Cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia, cho hay.
Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và nhiều quan chức chính phủ nói nọ đang tập trung cho các nỗ lực cứu hộ cứu nạn trong tình hình mưa lụt kéo dài. Nhân lực bao gồm 1.100 nhân viên cứu hộ FEMA được triển khai ở cả hai bang North và South Carolina, cùng 40 máy bay, hơn 7.100 thành viên của lực lượng bảo vệ bờ biển, 500 nhân viên y tế cùng lực lượng vệ binh quốc gia ở cả 2 bang.
Tổng thống Donald Trump dự kiến có chuyến thăm vùng bão vào giữa tuần tới, một khi xác nhận rõ ràng rằng chuyến thăm sẽ không gây cản trở các nỗ lực cứu hộ, theo một người phát ngôn của Nhà Trắng. Trước đó, ông Trump bị chỉ trích dữ dội vì nói "không có chuyện 3.000 người chết ở Puerto Rico" vì bão Maria.
Theo Đông Phong
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/bao-florence-vao-my-da-70-nam-chua-tung-thay-con-bao-nhu-the-nay-a8892.html