Ngày 19/6, trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lên án Nga, Trung Quốc, Cuba và Ai Cập vì cản trở những nỗ lực của Mỹ trong việc cải cách hội đồng, đồng thời chỉ trích các nước chia sẻ giá trị với Mỹ và muốn Mỹ ở lại nhưng “không sẵn sàng nghiêm túc thay đổi hiện trạng”.
“Nhìn vào thành viên của hội đồng, và bạn sẽ thấy sự thiếu tôn trọng đáng kinh ngạc đối với nhân quyền”, Reuters dẫn lời bà Haley. “Trọng tâm thiếu cân đối và thái độ thù địch không dứt đối với Israel là bằng chứng rõ ràng rằng hội đồng này được thúc đẩy nhờ sự thiên vị chính trị, không phải nhờ quyền con người”.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Haley cho hay việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền “không phải là rút lui khỏi những cam kết về quyền con người”.
Việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đối mặt với nhiều chỉ trích ngăn trẻ em đoàn tụ với gia đình tại biên giới Mỹ - Mexico. Ngày 18/6, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Zeid Ra’ad Al Hussein đã kêu gọi Washington dừng ngay chính sách “táng tận lương tâm” này.
Phe cánh tả chỉ trích chính quyền Trump vì không ưu tiên vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại. 12 tổ chức hỗ trợ cộng đồng, bao gồm Save the Children và CARE, đã cảnh báo ông Pompeo rằng việc rút lui “sẽ gây khó khăn cho việc thúc đẩy nhân quyền và hỗ trợ nạn nhân bị ngược đãi trên thế giới” bởi “sự vắng mặt của Mỹ sẽ chỉ tạo ra điểm yếu trong hội đồng”.
Hồi tuần trước, Reuters đưa tin đàm phán cải cách hội đồng đã không đáp ứng được nhu cầu của Washington, một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ rút lui khỏi cơ quan này.
Tháng trước, hội đồng bỏ phiếu điều tra việc người chết tại Dải Gaza và tố Israel sử dụng vũ lực quá mức. Chỉ có Mỹ và Australia bỏ phiếu chống.
“Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã luôn đóng vai trò quan trọng tại các nước như Triều Tiên, Syria, Myanmar và Nam Sudan nhưng dường như những gì Tổng thống Trump quan tâm chỉ là bảo vệ Israel”, Giám đốc điều hành Tổ chức Giám sát Nhân quyền Ken Roth nhận định.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 2006. Mỹ được bầu hai nhiệm kỳ liên tiếp dưới thời Cựu tổng thống Obama. Chính quyền Trump bắt đầu nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2016. Tuy nhiên, Tổng thống Trump từ lâu đã dọa sẽ rút lui nếu hội đồng gồm 47 thành viên này không được cải cách.
Việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là động thái từ chối cam kết đa phương gần đây nhất sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Theo Ngọc Hà
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/my-rut-khoi-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-a8785.html