Tại Đan Mạch, bát đĩa vỡ tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Những chiếc đĩa được giữ lại trong năm cũ sẽ được người Đan Mạch… ném vào nhà những người bạn của họ vào đêm giao thừa.
Bát đĩa vỡ càng nhiều, gia đình sẽ càng nhiều may mắn, hạnh phúc.
Vào dịp năm mới, những người hàng xóm sẽ tới trước cửa nhà nhau và ném vỡ hết bát đĩa. Điều này làm cho hàng xóm của họ vui vẻ thay vì cáu giận. Nhà nào có nhiều bát đĩa vỡ trước cửa sáng hôm sau nhất sẽ gặp nhiều may mắn và chứng tỏ họ có nhiều bạn tốt
Người Chile có tục đón năm mới cùng toàn bộ gia đình, tổ tiên ở nghĩa trang. Thực chất, truyền thống này không phải để cầu may, mà là dịp để gia đình tụ tập và cùng nhớ về những người đã khuất.
Đón năm mới ở nghĩa trang là sự tưởng nhớ đến người đã khuất.
Truyền thống này bắt đầu khi một gia đình ở thị trấn Talca nhỏ bé đã băng qua hàng rào nghĩa trang để mừng năm mới gần mộ của người cha đã khuất. Hiện nay, trên 5.000 người mỗi năm ghé thăm các nghĩa trang, thắp nến, chơi nhạc cổ điển cùng những người thân mà họ tin rằng đang chờ đợi họ đến cùng chung vui.
Vào đúng thời khắc giao thừa, những người Ecuador sẽ mang những con bù nhìn từ giấy và gỗ, được mặc quần áo sặc sỡ ra và đốt cháy.
Đốt bù nhìn để xua đuổi vận đen.
Có thể đối với nhiều người, việc đốt một con bù nhìn thể hiện sự giận dữ, sợ hãi hoặc một loại ma thuật hắc ám nào đó. Nhưng ở Ecuador, người ta tin rằng hành động này sẽ xua tan những vận xấu trong suốt 12 tháng vừa qua và hù dọa những thế lực xấu xa. Từ đó sẽ mang lại vận may và niềm vui trong năm mới.
Ở hầu hết các nước Trung và Nam Mỹ, mặc đồ lót, nhất là quần lót sặc sỡ là cách mang lại may mắn trong năm mới. Các màu sắc thường được chọn là đỏ, cam, vàng… Màu đỏ tượng trưng cho một tình yêu nảy nở trong năm mới, màu vàng tượng trưng cho tiền bạc, của cải… Những điều ước cho năm mới của họ được thể hiện qua màu sắc của đồ lót theo cách đó.
Để đón mừng năm mới, người Cuba sẽ mang tất cả nước trong nhà phun hết ra ngoài của sổ. Đó được coi là một cách thanh tẩy những gì còn lại trong năm cũ và mở ra một con đường sáng sủa hơn trong năm mới.
Bên cạnh đó, khi chuông nhà thờ điểm tiếng đầu tiên, người ta bắt đầu nuốt hạt nho. Đến khi dứt 12 tiếng chuông phải nuốt hết 12 hạt nho, như vậy năm mới sẽ được thịnh vượng, may mắn.
Tại Philippines, hình tròn tượng trưng cho tài lộc, do vậy, đến đêm giao thừa, người dân sẽ mặc lên mình những món đồ có dạng tròn, bao gồm đồ có họa tiết chấm bi, chất đầy túi các loại tiền xu hoặc ăn những trái cây dạng tròn.
Mang trên người những đồ chấm bi cầu tài lộc của người Philippines.
Nếu muốn cầu tài lộc, hãy nhớ mang theo mình những loại quả tròn và mặc đồ có hình chấm bi dịp năm mới này.
Với người Anh, trước thềm năm mới là thời điểm người người, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt trong nhà không dư dả, năm mới sẽ gặp nhiều khó khăn, nghèo khổ.
Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục “lấy nước đầu năm mới”. Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người múc gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.
Người dân Bỉ tổ chức những bữa tiệc gia đình đêm giao thừa. Lúc nửa đêm, mọi người sẽ hôn nhau, trao cho nhau những tấm thiệp chúc may mắn, riêng trẻ con, chúng mua những tấm giấy đủ màu sắc để viết lời chúc mừng năm mới cho bố mẹ rồi đọc lên vào sáng đầu tiên của năm mới.
Đặc biệt, vùng nông thôn ở Bỉ vẫn còn giữ một phong tục rất thú vị là “chúc tết vật nuôi”. Vào buổi sáng sớm ngày đầu năm mới, việc làm đầu tiên là mọi người đi đến bên các con vật nuôi như bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo… và giả vờ như đang muốn thông báo đến chúng lời chúc mừng năm mới.
Những người phụ nữ độc thân ở Ireland đều rất mong ngóng đến đêm giao thừa vì theo họ đây chính là đêm sẽ mang lại cho họ người đàn ông của đời mình.
Những nhánh tầm gửi sẽ được đặt dưới gối để cầu tình duyên.
Với người Ấn Độ, dịp đầu năm mới dường như lại chẳng phải dịp tốt lành gì khi họ không chúc phúc nhau mà còn… ôm nhau khóc thảm thiết.
Người Ấn quan niệm năm mới đến đồng nghĩa với việc tuổi thọ mất đi, đời người lại thêm ngắn ngủi, tiếng khóc để bày tỏ sự xót thương cho bản thân. Có nơi còn nhịn ăn một ngày một đêm để đón chào năm mới.
Ở Bungari sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới.
Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu năm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.
Hoàng Ngọc
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-phong-tuc-ki-la-tren-the-gioi-vao-ngay-dau-nam-moi-a8263.html