Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau rằng “Thà rằng ốm đau mà nằm. Chớ ai lại bỏ chợ Rằm tháng Ba”, câu ca dao ấy như đã khắc sâu vào lòng, in sâu vào máu thịt của mỗi người dân Minh Hóa nơi đây.
Chợ tình Minh Hóa được người dân nơi đây xem như là ngày hội lớn, bởi chợ được họp duy nhất một lần trong năm. Dù vậy, dẫu ai có đi xa chăng nữa cũng luôn trở về quê hương Minh Hóa để tham gia hòa mình vào không khí lễ hội nhộn nhịp với những trò chơi dân gian đặc sắc như chơi đánh đu, chơi bóng chuyền, kéo co..., tham quan những gian hàng trưng bày trong hội chợ. Đặc biệt, lễ hội Rằm tháng Ba là ngày hội dành cho những đôi trai gái đến tìm duyên và gặp gỡ nhau, trao cho nhau những câu ca tiếng hát bên những chum rượu nồng dưới ánh trăng tròn, gửi cho nhau những lời yêu thương, những lời chúc sức khỏe cho những người thân yêu của mình.
Lễ hội cũng giúp cho người dân vui chơi và ca hát, đắm chìm vào những điệu hôi lên đằm thắm mượt mà, đắm say lòng người, thưởng thức những món ăn truyền thống dân dã cơm bồi và ốc đực, uống chè xanh và nếm thử vị ngọt lịm của mật ong rừng nơi miền sơn cước Minh Hóa mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân.
Đó không chỉ là lễ hội để người dân vui chơi, mà đó là tất cả tấm lòng, ân tình đẹp tựa như nước của người dân nơi đây đối với du khách, đối với mỗi một người dân khi dừng chân vui chơi hội Rằm tháng Ba.
Với chủ đề “Ân tình Minh Hóa quê tôi” năm 2019, đó là một lời chào, và cũng là ân tình tha thiết của mỗi người dân Minh Hóa luôn hiếu khách… Đến với phiên chợ rằm, người dân và du khách được mua bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa.
Nguồn gốc của lễ hội và chợ Rằm tháng Ba Minh Hóa được truyền kể lại rằng: Xưa có 2 anh em nhà nọ lên lèn Ông Ngoi ở phía Bắc thị trấn Quy Đạt để tìm mật ong. Lên đến đỉnh, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới bóng cây râm mát có 12 tượng đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và trên đó có những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ăn quýt và ngắm nhìn những tượng đá.
Thấy lạ, người anh dùng dây rừng buộc lấy một tượng đá và mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi… Từ đó đến nay, thác Cúi, nơi hai anh em nhà nọ đặt bức tượng đá được gọi là thác Bụt. Và hàng năm, cứ đến Rằm tháng Ba, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tham gia lễ hội chợ rằm.
Theo quan niệm của người dân, vào ngày này ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không xem như cả năm đó kém may mắn, nên từ tờ mờ sáng người dân Minh Hóa đã lũ lượt kéo nhau về phiên chợ để mua cho mình những món đồ yêu thích, và đặc biệt là cầu mong cho một năm làm ăn may mắn.
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Từ 2 năm trở lại, lễ hội đã được huyện tổ chức lớn, quy mô hơn những năm trước. Tại hội chợ, huyện đã tổ chức kêu gọi các địa phương, các doanh nghiệp tham gia trưng bày mặt hàng để quảng bá du lịch. Năm 2018, việc tổ chức lễ hội khó khăn do thời tiết không ổn định và mưa lớn, khiến cho việc vui chơi thể thao của người dân và du khách cũng như việc buôn bán của người dân bị hạn chế. Năm nay thì thời tiết mát mẻ đã tạo điều kiện cho người dân và du khách vui chơi thoải mái hơn.
Mục đích của việc này là nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người, cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của vùng đất Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong cả nước, tạo ấn tượng và điểm nhấn để thu hút sự chú ý và tham gia của du khách thập phương”.
"Kế hoạch trong những năm tới, huyện sẽ duy trì và tiếp tục phát triển Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch hội Rằm tháng Ba và huyện sẽ nghiên cứu thêm những trò chơi dân gian để đưa vào lễ hội làm cho lễ hội thêm phong phú và đa dạng", ông Lĩnh chia sẻ.
Tuấn Tài - Hoàng Thông
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/an-tinh-minh-hoa-ngay-ram-thang-ba-a7563.html