Hai địa điểm nổi tiếng của Việt Nam làm nức lòng người Mỹ

(NĐ&ĐS) - Ngày 22/12, hình ảnh Cầu Vàng (Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng) và dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) bất ngờ xuất hiện trên màn hình lớn tại quảng trường Thời Đại – Time Square (Mỹ), khiến nhiều người trên giao lộ chính ở Manhattan ngỡ ngàng thán phục.

Đây là lần đầu tiên, hai địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam được quảng bá trên Giao lộ giải trí số 1 thế giới. Nhiều người đã dừng lại, xem trọn vẹn 60 giây trình chiếu và tỏ ra vô cùng thích thú với những hình ảnh thơ mộng và độc đáo của hai địa danh này.

Chris (New Jersey) chia sẻ: “Ồ, một cây cầu lạ kì. Tôi đã được nghe nói về cây cầu này vài tháng trước. Tôi cũng đã thấy nó trên CNN, BBC… Đây quả là công trình ấn tượng và thậm chí thật tuyệt vời khi nó được xây dựng tại Việt Nam”.

Đối với người dân Mỹ, cầu Vàng ít nhiều không còn xa lạ, bởi hình ảnh cây cầu độc đáo nhất Việt Nam này đã từng được các hãng thông tấn lớn trên thế giới không ngừng đưa tin, kể từ khi nó chính thức khai trương tháng 6 năm nay. Độ phủ sóng mạnh mẽ của Cầu Vàng tại các trang báo uy tín như CNN, BBC hay Reuters, tạp chí Time… đã kéo một luồng du khách quốc tế lớn đến với khu du lịch Sun World Ba Na Hills- nơi cây cầu tọa lạc.

Cầu Vàng Sun World Ba Na Hills (20)
Cầu Vàng Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng. 

Cầu Vàng cũng liên tiếp có tên trong các cuộc bình chọn hàng năm của các hãng thông tấn danh tiếng trên thế giới như: Top bức ảnh ấn tượng năm 2018 của CNN, Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới của tạp chí TIME, top 106 bức ảnh của năm 2018 (AFP) hay “Top 50 bức ảnh kì lạ nhất năm 2018” của Reuters...

Người dân Mỹ cũng không còn lạ với tạo hình độc đáo của Cầu Vàng, bởi nó từng được The New York Times - tờ báo có trụ sở tại Quảng trường Thời Đại miêu tả “Từ trên các vách đá xuất hiện một đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ một sợi chỉ vàng, như thể chính ngọn núi đã mọc ra đôi bàn tay vậy”.  

“Tôi đã nghe mọi người nói về Cầu Vàng trên Facebook và Instagram cũng như nhiều hãng thông tấn Mỹ khác. Tôi nghĩ đây là một trong những điểm các bạn muốn đến ít nhất một lần trong đời, đặc biệt là Cầu Vàng” – George  (Pennsylvania) cho biết.

Bên cạnh Cầu Vàng, dãy Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) cũng nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người dân New York với những hình ảnh đẹp tựa thiên đường: biển mây bồng bềnh trên đỉnh Fansipan hay những thửa ruộng bậc thang vàng óng nổi bật giữa trùng điệp xanh của rừng già. Vẻ đẹp hoang sơ, dân dã xong cũng không kém phần lãng mạn, hút hồn của vùng núi Tây Bắc này cũng vừa được National Geographic- tạp chí uy tín của Mỹ bình chọn là một trong 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019, đồng thời là điểm đến thú vị nhất Đông Nam Á.

sun
Sông mây Fansipan.

Một trong những trải nghiệm nhất định phải thử để khám phá Hoàng Liên Sơn, đó là đi cáp treo Fansipan băng qua thung lũng Mường Hoa, qua những trập trùng đồi núi xanh thẳm lên tới đỉnh Fansipan, để chạm tay vào Nóc nhà đông Dương và chiêm ngưỡng quần thể văn hóa tâm linh đẹp kỳ vĩ trên đỉnh thiêng.

Trong phần giới thiệu về Hoàng Liên Sơn, National Geographic đã mô tả: “Nhờ có tuyến cáp treo mới, ngày càng nhiều du khách có cơ hội chạm tới đỉnh cao Fansipan 3143m. Nhưng khu vực vùng núi Tây Bắc này (cách xa thị trấn Sa Pa nhộn nhịp) vẫn còn nguyên đó sự hoang sơ, thôn dã, một thế giới tách biệt hẳn so với Hà Nội ồn ào, mặc dù chỉ cách thủ đô khoảng 313 km về hướng Đông Bắc”.

Và thật thú vị, những người được xem đoạn clip về Hoàng Liên Sơn không khỏi ấn tượng, coi đây là điểm đến cần phải ghé một lần trong đời. Joyce (Maine) nói: “Với những người yêu bộ môn leo núi hay thích khám phá núi rừng thì Hoàng Liên Sơn chắc chắn là một địa chỉ nhất định phải ghé qua. Tôi không leo núi được nhưng tôi thích được chiêm ngưỡng nó từ cáp treo. Tôi nghĩ đó sẽ là một chuyến đi rất tuyệt!”

Với những điểm đến đầy ấn tượng với du khách nước ngoài, cơ hội đón nhiều hơn 18 triệu khách quốc tế trong năm tới của du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực.

H.Hà

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hai-dia-diem-noi-tieng-cua-viet-nam-lam-nuc-long-nguoi-my-a6916.html