Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - ông Nguyễn Hải Anh khẳng định: Nhận thức được lợi ích của cách tiếp cận FbF trong hoạt động cứu trợ thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dụng một Khung Hành động Hỗ trợ Tài chính dựa vào Dự báo giai đoạn 2020 – 2025. Về lâu dài Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn thực hiện vai trò bổ trợ cho Chính phủ trong ứng phó thảm họa qua việc áp dụng cách tiếp cận FbF vào cơ chế ứng phó thiên tai của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong những năm sắp tới, ngoài việc ứng phó với nắng nóng ở vùng đô thị, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam dự định sẽ xây dựng mô hình ứng phó với các thảm hoạ khác như bão, lũ, hạn hán và rét đậm, rét hại. FbF là mô hình mới mẻ ở Việt Nam nhưng là một mô hình phù hợp với xu thế chung của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liểm đỏ thế giới. Những thành công bước đầu của mô hình được triển khai tại Việt Nam thời gian qua là cơ sở để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết tâm triển khai thực hiện trong đó Kế hoạch truyền thông là một trong những công cụ quan trọng, là tiền đề để Hội áp dụng thành công mô hình FbF.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Nguyễn Hải Anh phát biểu tại hội thảo
Kể từ năm 2007, dựa vào kinh nghiệm về phòng ngừa và cứu trợ thảm họa cũng như xây dựng hệ thông cảnh báo sớm dựa vào cộng đồng của mình, Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế đã hợp tác với các nhà khoa học, chính phủ các quốc gia, các viện nghiên cứu và khối tư nhân, trong việc xây dựng cách tiếp cận FbF.
Cách tiếp cận FbF hướng tới tối ưu hoá việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu, thông tin dự báo thời tiết từ mạng lưới toàn cầu và trong nước nhằm bảo vệ tính mạng và sinh kế của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Với cách tiếp cận FbF, các đối tác thống nhất trước về nguồn tài chính để thực hiện hành động sớm, ngưỡng dự báo để kích hoạt hành động sớm, cũng như vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan.
Việt Nam là một trong 6 quốc gia đang thực hiện thí điểm FbF ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do FbF là cách tiếp cận khá mới mẻ ở Việt Nam nên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang thực hiện từng bước đối với các loại hình thiên tai. Từ năm 2018-2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án xác định các hành động sớm ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan tại khu vực đô thị với sự hỗ trợ từ GRC và sự hợp tác với các chuyên gia của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam (IMHEN). Đây là lần đầu tiên cách tiếp cận FbF được thực hiện tại Việt Nam nhằm ứng phó với hiện tượng nắng nóng tại Hà Nội. Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang đối diện với những thách thức trong việc lồng ghép các hành động nhân đạo thông qua cách tiếp cận FbF vào cơ chế ứng phó thiên tai hiện tại và trong việc nâng cao năng lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong lĩnh vực triển khai FbF. Hầu hết các thách thức này có liên quan đến hoạt động truyền thông về FbF. Do vậy, việc xây dựng một chiến lược truyền thông về FbF phù hợp với bối cảnh và năng lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là hết sức cần thiết. Một Kế hoạch truyền thông về Hỗ trợ Tài chính dựa vào Dự báo được xây dựng phù hợp sẽ giúp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bố trí nguồn lực để trở thành tổ chức tiên phong thực hiện cách tiếp cận này.
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nhau thảo luận về các nhóm đối tượng truyền thông liên quan đến việc lồng ghép FbF vào các hoạt động ứng phó thiên tai của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gồm: Đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế; Các cơ quan chính phủ; Các tổ chức khoa học; Nhà tài trợ; Các tổ chức quốc tế; Các tổ chức truyền thông đại chúng ; Lãnh đạo chính quyền địa phương; Nhóm dễ bị tổn thương.
Kế hoạch truyền thông giai đoạn 2020-2025 tập trung vào việc xây dựng các thông điệp truyền thông đến từng nhóm đối tượng; Chiến lược tiếp cận truyền thông qua các kênh truyền thông trực tiếp, đại chúng, Internet, Mạng xã hội, cộng đồng....
Mục tiêu truyền thông giai đoạn 2020 - 2025 là Nâng cao nhận thức của các đối tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cách tiếp cận FbF; Các đối tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hợp tác và hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và chính sách cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc thực hiện FbF tại Việt Nam .
Trần Thu Hương