Hy vọng mới từ đất khó Nậm Pồ

Sau 5 năm thành lập, cán bộ, nhân dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên lại trào dâng cảm xúc về những ngày đầu trên mảnh đất được mệnh danh “khó khăn bậc nhất” ở miền biên viễn xa xôi…

Tiếp quản… điểm nóng!

Chờ chúng tôi ở cổng trụ sở huyện ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, không giấu được niềm vui đón bạn thân từ xa mới vào. Bên chén trà cây cao mang thương hiệu “chè Pa Tần - Nậm Pồ”, tỏa hương thơm mát, Nguyễn Ngọc Sơn trầm ngâm nhớ về những ngày đầu thành lập huyện chưa xa.

Thành lập mới trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ hai huyện Mường Chà, Mường Nhé, theo Nghị định số 45 của Chính phủ, huyện Nậm Pồ có diện tích tự nhiên 149.559,12 ha; gần 140 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, quản lý 42 mốc biên giới; dân số hơn 43 nghìn người thuộc tám dân tộc. Trong số 15 xã toàn huyện có tám xã biên giới; xuất phát điểm thấp, vô vàn khó khăn; đất rộng, người thưa, địa hình hiểm trở, nghèo tài nguyên, nguồn lực đầu tư rất hạn chế, hạ tầng thấp kém; nhiều nơi xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, nạn phá rừng, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện, tranh chấp đất đai...

Cũng thời điểm huyện mới thành lập, tình trạng đơn thư khiếu kiện, tranh chấp và chiếm dụng đất đai, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do... diễn ra cực kỳ phức tạp. Rất nhiều vụ việc kéo dài qua nhiều năm chưa tìm ra hướng giải quyết, hoặc đã giải quyết nhưng chưa được nhân dân đồng thuận cao. Chính vì vậy mà câu hỏi “Làm thế nào để xử lý dứt điểm các vụ việc, được người dân vui vẻ chấp nhận, đồng thời không để xảy ra điểm nóng mới?” khiến Huyện ủy, HĐND, UBND huyện nhiều đêm trăn trở…

Những con đường thoát nghèo

Nhưng hôm nay Nậm Pồ “đổi thay đã nhiều” và thậm chí đổi thay rất nhiều trên mọi mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Giai đoạn đầu mới thành lập, do chưa có vốn đầu tư xây dựng khu đô thị trung tâm huyện nên huyện tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cấp xã. Rõ nhận thấy nhất là cơ sở vật chất hàng loạt xã được chỉnh trang, nâng cấp khang trang, như: Si Pa Phìn, Chà Cang, Chà Tở, Chà Nưa, Nậm Khăn, Pa Tần, Na Cô Sa, Nà Khoa, Nà Hỳ, Nậm Chua, Vàng Đán, Nà Bủng... Điện lưới quốc gia được đưa đến 75 % số bản, tỷ lệ gấp 6,5 lần ngày mới thành lập huyện. Hệ thống giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp cho 93 % số bản trong toàn huyện, nhiều nơi đi lại thuận lợi không chỉ mùa khô mà cả trong mùa mưa. Các điểm xa xôi, đông dân cư được đầu tư mở mới đường ô-tô vào bản như: Ngải Thầu, Pá Kha, Bản Nương, Huổi Khương, Huổi Dạo, Nộc Cốc 1, 2, Nậm Chua 2, 3, 4, 5, Sam Lang, Lai Khoang, Pú Đao, Na Cô Sa 4, Hô Củng - Huổi Anh, Huổi Văng - Huổi Noỏng, Hô Hài...

Trong ký ức người dân hai bản Hô Củng và Huổi Anh (xã Chà Tở) vẫn chưa thể quên con đường gian khổ từ bản đến trung tâm xã. Chỉ cách trung tâm xã Chà Tở khoảng 30 km, nhưng trước đây người dân hai bản này phải mất hơn ba giờ đi bộ, lội suối, vượt đồi mới đến trung tâm xã. Khi dựng nhà, người dân phải vác từng tấm lợp prô xi-măng, từng bao xi-măng từ trung tâm xã vào bản… Năm 2015, từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, đường Nậm Củng - Hô Củng - Huổi Anh được đầu tư xây dựng có tổng chiều dài hơn 12 km, bảo đảm đi lại cho gần 150 hộ dân các bản này. Ông Mùa A Giàng, Trưởng bản Huổi Anh, cho biết: Trước đây, giao thông khó khăn nên người dân trong bản cứ nghèo mãi, không hộ nào có kinh tế khá giả. Nay có đường mới bà con không vất vả như trước, đường đến ấm no chắc cũng bớt gập ghềnh gian nan.

Một trong những thành tựu nổi bật của huyện kể từ ngày thành lập, đó là chủ trương phát huy nguồn lực con người bắt đầu từ việc tích cực cải tạo cơ sở vật chất trường lớp học, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và của các tổ chức cùng công sức lao động của giáo viên, cha mẹ học sinh. Thầy Nguyễn Xuân Thuận, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, vui vẻ cho biết: Chỉ sau hai năm, từ 80 % cơ sở vật chất trường lớp học, nhà và bếp ăn bán trú, sân chơi, nhà vệ sinh ở các trường, điểm trường trong tình trạng tạm bợ, dột nát, lầy lội đã hoàn toàn được bê-tông hóa, lớp học bảo đảm ba cứng đến kiên cố hóa. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp ở cả ba cấp học, từ dưới 70% lên trên 95%.

Người dân Nậm Pồ đã đưa máy móc vào sản xuất, tiết kiệm sức lao động.

Niềm tin thành điểm sáng

Trước những câu hỏi về tình trạng tranh chấp, mất an toàn, an ninh trật tự…, với sự đoàn kết cao nhất, quyết tâm nhiều nhất, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nậm Pồ đã tìm ra “cách giải” trên nền một nguyên tắc thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, bảo đảm quyền lợi của người dân và cân bằng lợi ích của các bên trong tranh chấp trên cơ sở những quy định hiện hành của luật pháp.

Đối với vấn đề di cư tự do, công tác vận động đã giúp cho bà con hiểu rõ đất và rừng đang là chỗ dựa cho cuộc sống hiện tại và lâu dài của nhân dân sở tại, nên nhân dân phải tự bảo vệ, không để người di cư vào chiếm dụng. Nhờ cách làm đó, trong năm đầu việc di cư tự do cơ bản được kiềm chế. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, Nậm Pồ không còn tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn. Trong tổng số trên 60 vụ việc tồn đọng phức tạp về khiếu nại, tranh chấp, chiếm dụng đất đai, huyện đã chủ động xem xét, sắp xếp thứ tự giải quyết. Kết quả là mặc dù huyện chưa được đo vẽ bản đồ địa chính, chưa được kiểm kê đất đai, nhưng đến nay các vụ việc từ lịch sử để lại đều đã lần lượt giải quyết xong, không phát sinh vụ việc mới. Cách làm vì dân của Nậm Pồ còn huy động được hàng trăm gia đình tự nguyện hiến đất làm đường và các công trình công cộng khác.

Là một trong số những người có uy tín đại diện cho nhân dân huyện Nậm Pồ về dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập huyện Nậm Pồ, ông Lường Văn Đôi ở bản Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ, đã không giấu được niềm tự hào của người dân tộc Thái ở huyện nghèo biên giới. Dẫu vẫn còn khó khăn trên bước đường phía trước, nhưng ông Lường Văn Đôi cũng như hàng chục nghìn người dân khác trên địa bàn, luôn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền; sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, nhân dân, tương lai Nậm Pồ sẽ vươn lên thành điểm sáng trên vùng biên giới ở cực Tây Tổ quốc.

Tạm biệt Nậm Pồ, chúng tôi đem theo bao niềm vui từ trong khóe mắt, tiếng cười của người dân huyện nghèo. Bất chợt tôi nhớ hai câu thơ của Tố Hữu: “Năm năm mới bấy nhiêu ngày/Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều” và thầm nghĩ, những gì chứng kiến hôm nay đủ cho thấy một Nậm Pồ “đổi thay đã nhiều” và thậm chí đổi thay rất nhiều, trên vùng đất biên cương vô vàn gian khó...

BTV (Theo Thời Nay)

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hy-vong-moi-tu-dat-kho-nam-po-a5875.html