Người tiêu dùng lo lắng về sự an toàn của nước đóng bình Trường Lộc

(NĐ&ĐS) – Những năm gần đây, nước uống tinh khiết đóng bình đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt. Với sự phát triển nhanh, hàng loạt cơ sở nước đóng bình nhỏ lẻ ra đời khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống nhận được một số thông tin phản ánh liên quan đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở nước uống đóng bình thuộc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Xuân Trường Lộc (Cty Xuân Trường Lộc) tại khu 1, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Theo giới thiệu, nước uống tinh khiết đóng bình Trường Lộc được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược (RO), thanh trùng bằng Ozone (O3) và tia cực tím bởi công nghệ hiện đại của Mỹ. Sản xuất theo tiêu chuẩn nước uống đóng bình Việt Nam.

20180618_150958
Cùng nằm trên địa bàn nhưng các doanh nghiệp, Cty lại không sử dụng nước uống tinh khiết Trường Lộc mà lại mua từ các đơn vị sản xuất trên địa bàn khác.

Tại huyện Vĩnh Lộc, cơ sở nước uống đóng bình Trường Lộc thuộc Cty Xuân Trường Lộc là đơn vị duy nhất sản xuất nước uống đóng bình, với sản lượng khoảng 3.000 bình vào mùa hè và hơn 1.000 bình vào mùa đông.

20180618_152026
20180618_152021
Bình nước được xếp đầy sân và treo hai bên tường.

Lạ là, hầu hết các doanh nghiệp đơn vị trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng bình Trường Lộc, mà lại đi mua nước uống đóng bình từ các đơn vị trên địa bàn khác mang đến.

Trước những thông tin trên, phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã đề nghị Phòng Y tế huyện Vĩnh Lộc cử cán bộ đi cùng xuống cơ sở.

Bước vào cơ sở, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng loạt bình nước (loại 19,9 lít) được xếp đầy dưới sân, một số bình khác cũng được treo hai bên tường.

Khu vực đóng bình, dán nhãn tại cơ sở được bố trí một buồng nhỏ ngăn bằng vách kính nhưng vẫn để không gian mở. Khách hoặc nhân viên Cty vẫn có thể ngồi ngay cạnh khu vực để uống trà và hút thuốc.

20180618_151133
Hệ thống và thiết bị lọc của Cty Xuân Trường Lộc

Nhân viên Cty tiếp tục giới thiệu với chúng tôi hai bồn chứa inox 1.000 lít và các thiết bị lọc nước khác.

Đối chiếu với văn bản pháp luật, cơ sở nước uống tinh khiết đóng bình Trường Lộc chưa thực hiện đúng các quy định Điều 13 Chương V Nghị định số 67/2016/NĐ-CP về điều kiện đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng bình. Cụ thể: Khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí; Phải bố trí khu vực rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm; Bao bì chứa đựng nước uống đóng chai phải tuân thủ theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Nghị định này;

Việc tiệt trùng, khử trùng sản phẩm, khử trùng bao bì bằng thiết bị chuyên dụng sử dụng công nghệ tạo tia cực tím, công nghệ khí ozone và hoặc các công nghệ khác nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sản phẩm;

20180618_150210
Khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí.

Nguồn nước sử dụng trong sản xuất nước uống đóng chai phải bảo đảm phòng tránh bất kỳ sự ô nhiễm nào hoặc yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến chất lượng nước và phù hợp với quy định về chất lượng nước ăn uống; các nguồn nước do cơ sở khai thác phải được kiểm tra và bảo đảm phù hợp với quy định về chất lượng ít nhất 12 tháng/lần;

Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai phải có bộ phận kiểm soát vệ sinh chai bình, chất lượng nước; có đủ hồ sơ lưu trữ kết quả xét nghiệm từ khai thác nước nguồn cho đến thành phẩm theo quy định với từng lô sản phẩm.

20180618_150125
Khu vực chiết rót sản phẩm, đóng và dán nhãn cũng như kho để bình nước thành phẩm cùng nơi tiếp khách của Cty đều nằm trong một phòng, chứ không tách biệt theo như quy định.

Qua hồ sơ mà Cty cung cấp, đơn vị không hề có hồ sơ lưu trữ kết quả xét nghiệm từ khai thác nước nguồn. Sổ khám sức khỏe định kỳ của các nhân viên Cty không hề có ảnh giáp lai được đóng dấu nhưng vẫn được Trung tâm y tế huyện Vĩnh Lộc khám và xác nhận.

Đáng nói, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm ngày 8/4/2018 của cơ sở sản xuất thay vì được chủ cơ sở ký cam kết rồi lấy xác nhận của UBND thị trấn Vĩnh Lộc (nơi cơ sở sản xuất đang hoạt động), thì bản cam kết do chủ cơ sở cung cấp chỉ có sẵn xác nhận của UBND thị trấn Vĩnh Lộc, chứ không hề có chữ ký của người cam kết.

20180618_151629
Sổ sức khỏe định kỳ do Trung tâm y tế huyện Vĩnh Lộc xác nhận đối với các nhân viên Cty Xuân Trường Lộc không hề có ảnh và được đóng giáp lai.

Phải chăng các bản cam kết an toàn thực phẩm kiểu này tại thị trấn Vĩnh Lộc nói riêng, huyện Vĩnh Lộc nói chung đều được phát sẵn cho các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chứ không phải do họ tự nguyện cam kết?

Nói về cơ sở sản xuất nước, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Cty nước do Chi cục An toàn thực phẩm cấp phép và quản lý trực tiếp, phòng chỉ tham gia với công tác phối hợp. Hàng năm, Chi cục An toàn thực phẩm vẫn thường xuyên xuống kiểm tra định kỳ đối với cơ sở.

20180618_151722
Bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm chủ cơ sở không ký nhưng UBND thị trấn Vĩnh Lộc vẫn ký xác nhận và đóng dấu.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Tại sao sau nhiều cuộc kiểm tra định kỳ, thậm chí có thể có kiểm tra đột xuất, mà Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Thanh Hóa, mà ở đây là của Chi cục An toàn thực phẩm, lại không phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm này? Liệu tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình hay thực phẩm khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có xảy ra những tình trạng như vậy không?

Hiện phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đang liên hệ với Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Tuấn - N.D

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nguoi-tieu-dung-lo-lang-ve-su-an-toan-cua-nuoc-dong-binh-truong-loc-a5783.html