Những thông tin người lao động cần biết về bảo hiểm thất nghiệp

(NĐ&ĐS) - Đây là những thông tin từ Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa giải đáp thắc mắc cho đoàn viên, người lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo Khoản 2, Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 quy định: Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), thời gian đóng BHTN trước đó của người lao động (NLĐ) không được tính để hưởng TCTN cho lần tiếp theo.

Thời gian đóng BHTN cho lần hưởng BHTN tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng TCTN do: Tìm được việc làm; Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Bị tòa án tuyên bố mất tích; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

bh_that_nghiep
Người lao động cần nắm rõ về những chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). (Ảnh minh họa)

Còn theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng TCTN:

- Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng TCTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN theo quy định.

viec lam
Thực tế, có khá nhiều người không quan tâm đến quyền lợi khi đóng - hưởng BHTN. (Ảnh minh họa)

Tại Điều 51 Luật Việc làm năm 2013 quy định về chế độ BHYT:

- Người đang hưởng TCTN được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

- Tổ chức BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng TCTN từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Được biết, các chế độ như: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đây là những chế độ mà người lao động được hưởng khi tham gia BHTN mà bị mất việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người lao động hiểu biết về các quyền lợi này của mình.

Người lao động nếu không tham gia BHTN thì sẽ không được hưởng các chính sách về BHTN bao gồm có chính sách về trợ cấp thất nghiệp trong thời gian mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, không được tư vấn, không được giới thiệu việc làm, không được cung cấp thông tin và quan trọng hơn là người lao động không được hỗ trợ kinh phí học nghề, đây là một kinh phí từ nguồn BHTN hỗ trợ trở lại cho người lao động với mức không quá 6 tháng và mức bình quân tối đa 1 tháng tùy theo từng nghề và như vậy người lao động sẽ rất thiệt thòi.

Cần tìm hiểu rõ những thủ tục gì để được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Thực tế đây là băn khoăn của rất nhiều lao động hiện nay. Rất nhiều người nghỉ việc nhưng không biết làm thủ tục như thế nào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đảm bảo được các thủ tục theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015 của Chính phủ như bản chính hay bản sao có chứng thực về các giấy tờ có xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thứ 2 là sổ BHXH đã được cơ quan BHXH xác nhận về việc tham gia đóng BHTN.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội, theo quy trình liên ngành với cơ quan BHXH về việc chi trả trợ cấp BHTN người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thì được nhận, đăng ký trực tiếp bằng tiền mặt tại BHXH quận huyện hoặc nhận qua ngân hàng nơi cơ quan BHXH chi trả.

Sau hơn 7 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được ví như chiếc “phao cứu sinh” cho người lao động trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Đáng nói là sau khi có quyết định hưởng lợi từ chính sách này, nhiều lao động đã đến đơn vị chức năng để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà bỏ qua các hỗ trợ thiết thực khác như hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Nghị định có một chương quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm trong lĩnh vực BHXH.

Đối với các vi phạm về lập hồ sơ hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng.

Người lao động bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, như: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm khi có việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Đại Lộc

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nhung-thong-tin-nguoi-lao-dong-can-biet-ve-bao-hiem-that-nghiep-a5220.html