Đây là lần đầu tiên một trưng bày có quy mô lớn, với trên 300 hiện vật - số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 12/4 đến hết tháng 7/2018.
Đáng chú ý, đây là những bảo vật vừa “trở về” sau 3 năm được triển lãm ở các bảo tàng lớn của Đức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (23/9/1975-23/9/2015) và 25 năm ký kết Hiệp định văn hóa (10/5/1990- 10/5/2015).
Triển lãm sẽ giới thiệu theo các nội dung: Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam; Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam (gồm Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đồng Nai); Khảo cổ học lịch sử (gồm Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Chăm pa và di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Văn hóa Óc Eo- Phù Nam, Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam).
Trong đó, phần Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình như: công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam.
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh hóa), thuộc thời đại Đá cũ; những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn, công cụ 1/4 cuội tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965; Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965; Công cụ chặt đập di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ) do Bảo tàng Lịch sử khai quật năm 1969; những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964 cũng được trưng bày ở phần này.
Ở phần Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam, các hiện vật cũng được chia theo sự hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam thời kim khí: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở miền Nam.
Tại trưng bày lần này sẽ tập trung giới thiệu những hiện vật ở một số di tích do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham gia nghiên cứu khai quật như Nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994: Vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh; cá loại hạt chuỗi, nhẫn, lá vàng là những hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam; các loại đồ gốm như nồi, cà ràng (chân kiềng).
Nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu); Nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An), là di chỉ khảo cổ học tiền sử ở Nam bộ, do chính các nhà khảo cổ học Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phát hiện và khai quật năm 1997.
Ngoài ra, triển lãm cũng sẽ trưng bày những báu vật khảo cổ học Việt Nam và những báu vật khảo cổ học thời kì phong kiến.
Trước đó, các hiện vật của Triển lãm này đã được giới thiệu tại các bảo tàng của Liên bang Đức gồm: Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne (7/10/2016 đến 26/2/2017), Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz (30/3 đến 20/8/2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim (16/9/2017 đến 7/1/2018).
Đức Trọng (tổng hợp)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hon-300-bau-vat-khao-co-viet-nam-tro-ve-tu-nuoc-duc-a5208.html