Âm nhạc các dân tộc cần được bảo tồn

Âm nhạc của các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loại hình âm nhạc dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị mai một, cần được bảo tồn, gìn giữ.

anh-trang-12
Các thành viên CLB hát Then, đàn tính xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang luyện tập lúc nông nhàn. Ảnh: Văn Tý/TTXVN
 
Phong phú kho tàng âm nhạc dân tộc
 
Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, trong đó, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, ngôn ngữ tiếng nói riêng. Họ cũng sáng tạo và sở hữu một nền âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của đồng bào.
 
Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, rất nhiều bài dân ca của các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, Xơ Đăng, Ba Na... liên tục được phát trên đài phát thanh thời đó, đã in sâu vào ký ức nhiều thế hệ người Việt Nam. Có thể kể đến bài “Mưa rơi” dân ca Khơ Mú, bài “Ru em” dân ca Xơ Đăng, bài “Inh lả ơi” dân ca Thái, bào “Con gà gáy le te” dân ca Cống Khao...
 
Việt Nam có 54 dân tộc, và mỗi một dân tộc, đều có những nét độc đáo riêng biệt về đặc điểm của âm nhạc dân tộc mình như hát giao duyên đối đáp, hát đồng dao; hát Then, Mo của người Dao, Tày, Thái; hát Tang ca, hát ống của người Mông; múa chiêng, trống của người Mông, Dao; đàn tính của người Tày, Thái; cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên...
 
Trong đó, mỗi một loại hình âm nhạc, ở một dân tộc cũng lại có những sự khác biệt, khi được sử dụng trong môi trường, hoàn cảnh khác biệt. Lấy ví dụ, làn điệu H’ri - một làn điệu dân ca Chăm mang màu sắc dân tộc sâu sắc, xuất phát từ trong lao động, sản xuất của người Chăm, được đồng bào Chăm sử dụng rộng rãi trong ngày hội làng, đám ma, đám cưới... 
 
Trong sinh hoạt gia đình, làn điệu H’ri là lời ru mà người mẹ dùng căn dặn con về điều hay, lẽ phải và dạy con sau này lớn lên làm người có ích cho xã hội. Trong những đêm trăng và đêm hội làng, các chàng trai, cô gái hát đối đáp, trao lời thề, lời nguyện ước cũng qua làn điệu H’ri...
 
Có thể khẳng định rằng, dù cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế điều kiện kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng... nhưng âm nhạc cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn luôn toát lên sự phong phú, đặc sắc, những làn điệu âm nhạc này đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt Nam vừa độc đáo, vừa đa dạng trong sự thống nhất.
 
Nói về vai trò của âm nhạc các dân tộc thiểu số Việt Nam với sự phát triển của văn hóa dân tộc, PGS.TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam đánh giá, âm nhạc của các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, và là yếu tố quyết định tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
 
"Ở các dân tộc ít người, họ có những tư duy về vấn đề giai điệu, điệu thức, điệu quãng và nhạc cụ, cách thể hiện riêng. Điều đó đóng góp vào bản sắc chung của Việt Nam. Chính các dân tộc ít người đó đã tạo ra một vườn hoa nghệ thuật, có cái chung của Việt Nam, cái riêng của bản sắc từng dân tộc, nên tôi cho rằng, chính các dân tộc thiểu số ấy là yếu tố quyết định sự phong phú đa dạng trong bản sắc của dân tộc Việt Nam. Họ quyết định sự tạo ra những sắc thái riêng của các dân tộc và Việt Nam trong khu vực và trên thế giới", PGS.TS Nguyễn Bình Định nhấn mạnh.
 
PGS.TS Nguyễn Thụy Loan cũng cho rằng, văn hóa, âm nhạc của các dân tộc ít người không những tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn hóa âm nhạc chung của cả nước, mà còn có tác động không nhỏ tới sự đa dạng văn hóa âm nhạc của người Việt. Sự giao lưu tiếp biến giữa văn hóa âm nhạc của các dân tộc trong quá trình cộng cư từng vùng, miền đồng thời cũng tạo nên sự đa dạng ngay trong văn hóa âm nhạc của một số tộc ít người.
 
Chính nhờ quá trình cộng cư và giao lưu tiếp biến lâu đời đó giữa các dân tộc trong nước, mà văn hóa âm nhạc Việt Nam càng thêm đa dạng. Cũng là Then Tày, nhưng Then Tày ở Hà Giang, khác với Then Tày Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái... Tương tự, ở nhiều loại hình âm nhạc khác, như cồng chiêng, âm nhạc Chăm... ở mỗi địa phương lại có những nét riêng, hoặc một màu sắc riêng. Đó là điều may mắn mà không phải quốc gia nào cũng có được, và chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy.
 
Nguy cơ mai một âm nhạc các dân tộc thiểu số
 
anh-trang-13
Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều mời các nghệ nhân có kinh nghiệm dạy đánh nhạc cụ dân tộc cho cán bộ văn hóa và thanh thiếu niên dân tộc. Ảnh: Phạm Cương/TTXVN. 
Chúng ta may mắn khi có cả một kho tàng về âm nhạc dân tộc, với nhiều loại hình âm nhạc khác nhau, tuy nhiên, trong điều kiện đất nước hội nhập và phát triển như hiện nay, nhiều loại hình âm nhạc dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Cùng với sự phát triển của công nghệ, điều kiện sống cũng như môi trường sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng có những thay đổi, một bộ phận âm nhạc của các dân tộc thiểu số đang gặp phải những khó khăn, thách thức và đứng trước nguy cơ mai một.
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vương Hoàng, Viện Âm nhạc Việt Nam chia sẻ, trong những chuyến đi công tác, điền dã, bản thân ông đều cố gắng nhận diện và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những nguy cơ bị mai một âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số hiện nay. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vương Hoàng, một trong những nguy cơ đó là sự thay đổi hoặc biến mất của không gian diễn xướng dân gian do điều kiện sinh hoạt của bà con các dân tộc thay đổi trong quá trình phát triển và đô thị hóa, và điều này là khó tránh khỏi.
 
Lấy ví dụ từ loại hình hát ống của đồng bào Mông tại Chiềng Tương, Yên Châu, Sơn La. Trước đây, nhóm nam nữ tham gia hình thức dân ca này sử dụng hai chiếc ống, nối với nhau bằng một sợi dây làm công cụ để chuyển tải âm thanh. Người hát sẽ hát vào một ống, người nghe kéo căng sợi dây và úp ống còn lại vào tai. Cứ như vậy, họ thay nhau hát những câu giao duyên, trao đổi tình cảm từ bãi nương này sang bãi nương khác. Nhưng bây giờ, họ đã có giải pháp tốt hơn, là sử điện thoại di động hoặc vào mạng xã hội... mà hình thức hát ống ở đây đã mai một.
 
Bên cạnh đó, sự quan tâm và nhu cầu hưởng thụ của người dân bị chia sẻ bởi các loại hình âm nhạc khác ở trong và ngoài nước, mà đồng bào tiếp thu được trên truyền hình, qua phim ảnh, qua internet... Thêm vào đó, ở nhiều nơi, nhiều dân tộc, giới trẻ đã không còn mặn mà với âm nhạc dân tộc, thậm chí có nơi, người trẻ còn không biết tiếng của đồng bào dân tộc mình, nên không biết hát giao duyên, không biết hát các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ mai một âm nhạc dân tộc.
 
Nói về nguy cơ mai một âm nhạc dân tộc, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan bày tỏ sự lo ngại: “Mới đây, tôi có đọc tờ chương trình “Ấn phẩm Điện Biên” có tiết mục hòa tấu tính tẩu do 2 nghệ sĩ Hoàng Thím và Mao Ết trình diễn. Tôi tự hỏi, lớp trẻ đâu mà đến nay Điện Biên vẫn chỉ có 2 cụ nghệ sỹ tài danh này? Ngộ, nếu mai kia 2 cụ về “Mường trời với đẳm” thì ai sẽ kế tục? ”.
 
Cũng theo ông Đặng Hoành Loan, đối chiếu với kho băng âm nhạc của Viện Âm nhạc thu thanh cách đây hơn 40 năm, lúc đó đã thu được 200 bài tính tẩu do các nghệ nhân bậc thầy biểu diễn nhưng nay rất ít nghệ nhân còn chơi được. Và nguy cơ nhãn tiền đang xảy ra và sẽ xảy ra đó là sự “biến mất” nhanh chóng của nhiều hình thức nghệ thuật ca đàn giải trí và giáo dục cộng đồng.
 
Trong đó, có nguyên nhân chính là do những hình thức nghệ thuật không liên quan đến tín ngưỡng, không bị các lực lượng siêu nhiên ngự trị; thích thì chơi, thích thì nghe, ngày nay không còn là nhu cầu bức thiết với người dân. Trong các trường học không có giờ nào giảng dạy về âm nhạc dân tộc, vậy thì làm sao đòi hỏi lớp trẻ phải tiếp thu, phải biết gìn giữ vốn quý của cha ông... rồi quỹ thời gian học của các cháu cũng chẳng còn chỗ để chúng tìm hiểu, tự xâm nhập vào cái thế giới văn hóa cổ truyền... 
 
Chưa kể, những môi trường diễn xướng xưa kia nuôi dưỡng nhiều hình thức ca hát giải trí giáo dục như đi rừng, đi củi, chợ phiên, cưới hỏi... đều đã biến đổi, đang nhường chỗ cho môi trường nghệ thuật hiện đại. Ví như, phương pháp canh tác nông nghiệp biến đổi, chợ búa hiện đại hóa, cưới hỏi nhạc Âu Mỹ ầm ĩ, con khóc dụ xem ti vi, xem điện thoại di dộng...
 
Đại diện Vụ Văn hóa dân tộc thừa nhận, trước đây, ở các bản người Tày, Thái, Mông, Dao... hầu hết mọi người đều biết hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống và trình diễn các bài múa, nhưng đến nay, số nghệ nhân này còn rất ít, và phần lớn là những người đã cao tuổi, trong khi đó họ lại là lực lượng chính trong việc nắm giữ và trao truyền các di sản âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ. 
 
Đại diện này cũng đưa ra một thực tế, là hiện nay, môi trường, không gian sinh hoạt âm nhạc dân gian truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp, do những thay đổi về đời sống lao động sản xuất, phong tục tập quán, các sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của cộng đồng. Thậm chí, phương thức trình diễn âm nhạc dân gian của đồng bào cũng đang dần thay đổi về nhịp điệu, tiết tấu, đạo cụ, trang phục và không gian thực hành đang làm mất đi ý nghĩa, giá trị của âm nhạc truyền thống.
 
Gìn giữ, bảo tồn âm nhạc dân tộc
 
Trước những nguy cơ mai một các loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào các dân tộc, vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống các dân tộc đang được đặt ra cấp bách, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
 
Nhưng làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống, đa số các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc đều cho rằng, cần xây đựng các cơ chế chính sách, các đề án, dự án, các chương trình kế hoạch riêng cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền của các dân tộc thiểu số, như đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật hiện có như các câu lạc bộ, có cơ chế hỗ trợ các nghệ nhân trong việc bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ kế cận.
 
Phối hợp giữa cơ quan quản lý văn hóa với các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật để lựa chọn, phân loại và sắp xếp xem loại hình nào cần đầu tư bảo tồn trước, loại hình nào bảo tồn sau, vừa tránh dàn trải, lãng phí, vừa có hiệu quả cao. Thành lập quỹ bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số, kêu gọi, thuyết phục các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp, hỗ trợ cho quỹ này.
 
Di sản sẽ được bảo tồn tốt nhất, ‘sống’ bền vững nhất chính là trong cộng đồng. Chính vì vậy, cần tăng cường động viên, khuyến khích cộng đồng các dân tộc bảo tồn di sản âm nhạc của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt văn hóa thường ngày. Đồng bào người Bố Y ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã có những phương pháp rất riêng để gìn giữ âm nhạc dân tộc mình.
 
Xuất phát từ ý thức giữ gìn bản sắc riêng trong cuộc sống cộng cư với dân tộc khác, người Bố Y đã từ đặt cho mình nguyên tắc còn được giữ gìn cho tới ngày nay liên quan tới văn hóa, bao gồm cả âm nhạc: “Của mình là chính, của họ là phụ”. Theo đó, người Bố Y thực hiện các nguyên tắc trên bằng các phương thức sau: Âm nhạc cổ truyền bao giờ cũng được họ trân trọng, gìn giữ trong các sinh hoạt. Chẳng hạn, lễ cúng ma nào của người Bố Y cũng phải có đủ các nhạc khí truyền thống là trống đồng và não bạt. Các nghệ nhân người Bố Y tự tập hợp và in những bài dân ca Bố Y thành sách để lưu truyền cho đời sau và quảng bá rộng rãi dân ca Bố Y ra ngoài.
 
Đặc biệt, các nghệ nhân còn ghi lại lời các bài dân ca bằng các ký tự tiếng Việt, để nhiều người có thể đọc và học được. Họ còn bỏ nhiều thời gian và công sức chọn lựa những thanh niên có năng lực truyền dạy. Ngoài việc ghi chép, truyền dạy, các nghệ nhân còn cải biến một số khía cạnh văn hóa cổ truyền cho phù hợp với thị hiếu âm nhạc thời đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có để tạo thêm hứng thú cho lớp trẻ. Đây là một cách làm hay, có hiệu quả cần được phổ biến rộng rãi.
 
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc thừa nhận, vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian, trong đó có âm nhạc dân gian các dân tộc, đã được nói đến từ rất lâu. Các hội thảo báo cáo nhiều đến nỗi có người khi nghe đến cụm từ này đã bật thốt lên câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 
 
Tuy nhiên, dẫu là vậy, vấn đề bảo tồn vẫn phải nói, còn phải nói và sẽ nói nhiều hơn nữa. Phải nói bởi cái sự bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền nó cũng vận động, cũng biến đổi theo nhịp sống, cách sống của mỗi cộng đồng dân tộc; cũng biến đổi theo cách tư duy văn hóa, chính trị ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ. Vì thế, các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, chúng ta vẫn cần phải nói, vẫn phải bàn về bảo tồn - một khi chúng ta còn nhu cầu giữ lại những di sản phi vật thể quý giá này trong đời sống xã hội.
 

Theo TTXVN

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/am-nhac-cac-dan-toc-can-duoc-bao-ton-a5207.html