Đây là thông tin được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp, diễn ra sáng 28/4 tại Hà Nội. Báo cáo gồm hai phần: Điểm lại các xu hướng nghèo và bất bình đẳng trong thập kỷ vừa qua, giai đoạn 2010–2020; đánh giá các cơ hội và thách thức trong lộ trình Việt Nam hướng tới những khát vọng của Chặng đường kế tiếp, đồng thời nâng cao sự thịnh vượng cho cả hộ gia đình và người lao động.
Phát biểu tại buổi công bố, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết đây là một trong những báo cáo quan trọng của Ngân hàng Thế giới. Các phát hiện, phân tích từ báo cáo sẽ giúp cung cấp thông tin và hình thành khuyến nghị, dự án, đối thoại chính sách của Ngân hàng Thế giới đối với Chính phủ Việt Nam.
10 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo
Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội.
“Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về kinh tế-xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh”, Ngân hàng Thế giới khẳng định.
Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc và sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới. GDP bình quân đầu người (tính theo giá cố định bằng đô-la Mỹ năm 2015) tăng từ 481 đô-la Mỹ năm 1986 lên 2.655 đô-la Mỹ vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 đô-la Mỹ/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020, có nghĩa là 10 triệu người đã thoát nghèo, số người nghèo đã giảm xuống còn 5 triệu người vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ cho năm 2019, 5,7% người Việt Nam được phân loại là nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ.
Bên cạnh những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý Việt Nam, với vị trí hiện tại là quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp, đang phải đối mặt với chặng đường đầy thách thức trong thời gian tới để đạt tới các ngưỡng của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trong bối cảnh nền kinh tế và khí hậu toàn cầu đang có nhiều thay đổi.
Theo một khảo sát cư dân, từ năm 2015 đến năm 2020, nghèo/đói được chọn là vấn đề chính cần được chính phủ giải quyết. Khi được hỏi tại sao vấn đề nghèo là mối quan tâm chính, nhiều người dân Việt Nam tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, đồng thời một số đông người tham gia khảo sát cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia.
Thực hiện có hiệu quả các trợ giúp xã hội
Để phát huy những thành tựu đạt được cũng như giải quyết những thách thức phía trước, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách với Việt Nam. Theo đó, các chương trình hỗ trợ theo địa bàn và hộ gia đình cần tập trung hơn vào lựa chọn đối tượng. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tăng trưởng năng suất nông nghiệp để duy trì sinh kế cho những người vẫn ở lại với hệ thống kinh tế nông thôn, vốn đang phải đối mặt với thay đổi lớn về cơ cấu; giúp người dân có khả năng tiếp cận kiến thức và đổi mới sáng tạo, bao gồm áp dụng công nghệ số phù hợp là cách để hỗ trợ nâng cao năng suất theo hướng thay thế các phương thức thâm dụng lao động.
Để cải thiện sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số trên thị trường lao động, các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu có cần được tăng cường hơn nữa.
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao. Trợ giúp xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn cho các hộ nghèo, theo hướng mở rộng phạm vi bao phủ và tăng mức hỗ trợ...
Việt Đức (TTXVN)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ty-le-giam-ngheo-cua-viet-nam-trong-10-nam-qua-day-an-tuong-a513.html