Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chính thức phê duyệt Đề án "Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025". Cụ thể, theo Quyết định số 814/QĐ-UBND, Hà Nội sẽ tạo điều kiện và phối hợp, hỗ trợ để các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề phát huy vai trò, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ logistics.
Thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện và phối hợp, hỗ trợ kinh phí để các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề phát huy vai trò, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ logistics: Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn định kỳ, ngắn hạn cho doanh nghiệp để phổ biến, cập nhật những thay đổi về chính sách pháp luật, quy hoạch phát triển logistics nói riêng và tình hình kinh tế nói chung trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, kết nối tổ chức sự kiện và tạo ra các mối liên hệ giao thương với các hiệp hội, các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hợp tác, ký kết hợp đồng; tiếp cận tín dụng ưu đãi, kết nối cung cầu; tập huấn, phổ biến kiến thức về kinh doanh dịch vụ logistics, tạo chuyển biến về nhận thức ưu tiên sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài thay cho tự tổ chức hoạt động logistics trong bối cảnh hội nhập; từng bước triển khai mô hình logistics 4PL và 5PL trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Thúc đẩy liên kết Viện, trường, doanh nghiệp để hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp logistics; đổi mới chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình đào tạo chuyên sâu về logistics; tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, phối hợp các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia tổ chức các chương trình đào tạo.
Thành phố phối hợp các Viện, Trường Đại học xây dựng chương trình, tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về logistics cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp; Phổ biến, tuyên truyền về các tập quán, luật pháp quốc tế, các điều khoản Hiệp định thương mại liên quan đến logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương xây dựng trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025 để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án (chậm nhất trong tháng 4/2018). Trên cơ sở đó, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện, đặc biệt là việc phát triển hạ tầng dịch vụ logistics của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý hệ thống kho, bãi đang hoạt động trên địa bàn. Xây dựng và tổ chức phương án sắp xếp các kho, bãi phục vụ phát triển dịch vụ logistics đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường. Phối hợp các sở ngành chức năng cung cấp thông tin quy hoạch, địa điểm quy hoạch cho nhà đầu tư quan tâm và phối hợp chặt chẽ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án hạ tầng logistics; hỗ trợ người có đất thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống, sản xuất và phát triển.
Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả dự án, đưa công trình vào vận hành và khai thác bảo đảm tiến độ và chất lượng; Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tích cực sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, giảm dần việc tự đầu tư và tổ chức vận tải, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục liên quan đến sản phẩm, hàng hóa.
Đại Lộc
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/ha-noi-phe-duyet-de-an-quan-ly-va-phat-trien-hoat-dong-logistics-den-nam-2025-a4896.html