Những cuộc tình dang dở nơi đất khách quê người
Xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có số dân hơn 5.400 người, lại là vùng đất chiêm trũng chỉ phù hợp với cây lúa nên cuộc sống của người dân quanh năm khốn khó. Cũng bởi vì lý do đó mà phần đông thanh niên ở địa phương sớm tha hương nơi xứ lạ để kiếm kế sinh nhai. Và không một lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc xin làm công nhân cho các nông trại cao su, cà phê hoặc vào các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Nhờ những đồng tiền mồ hôi nơi đất khách quê người do các lao động xa xứ gửi về nên kinh tế của nhiều hộ gia đình trong địa phương cũng được cải thiện đáng kể. Nhưng cũng bởi những cuộc đi mưu sinh xa xứ dài đằng đẵng hàng năm trời đó nên không ít điều không mong muốn xảy ra. Nổi lên trong số đó là tình trạng nhiều phụ nữ đi làm ăn xa trở về với những đứa trẻ không có bố. Một, hai rồi ba, bốn… cho đến thời điểm này theo khảo sát sơ bộ của UBND xã Nghi Đồng toàn địa phương này có khoảng hơn 41 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống mồ côi bố hoặc không có bố ngay từ khi sinh ra.
“Cũng vì điều kiện đất đai khó canh tác, thời tiết cực đoan sản xuất nông nghiệp không ăn thua nên thanh niên tại địa phương mới phải xa nhà kiếm kế mưu sinh. Nhưng giờ đây nhiều chị em phụ nữ sau một thời gian đi làm xa trở về lại sinh ra những đứa trẻ không biết bố mình là ai. Kinh tế chưa kịp sáng lên thì cơn bão trẻ không bố này khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng”, bà Đậu Thị Loan - Chủ tịch xã Nghi Đồng chia sẻ.
Được một cô giáo tại địa phương dẫn đường, chúng tôi nhanh chóng tìm gặp được một số gia đình điển hình như thế. Vòng qua những con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng vàng óng lúa chín, câu chuyện về ba đứa trẻ chưa một lần được thấy mặt cha ở xóm 7 (xã Nghi Đồng) thật khiến người ta thấy ái ngại. Những năm đầu 2000 mẹ các em là chị Nguyễn Thị Giang (SN 1977) theo nhiều thanh niên tại địa phương vào các tỉnh Tây Nguyên đi hái cà phê thuê. Ở đây chị quen với một người đàn ông rồi cuộc tình đó đến năm 2002, sinh ra cháu Mai Văn Thành. Đến năm 2004, khi Thành còn chập chững những bước đi đầu tiên và chị mang bầu thêm đứa con thứ hai là cháu Mai Văn Tâm.
Nhưng khi đứa con thứ hai chưa ra đời người đàn ông kia bỏ đi biệt tích mặc chị bụng bầu dạ chửa trở về quê sinh đứa con thứ hai. Không biết gia đình, quê quán của người cha của hai đứa con đầu sau khi Thành và Tâm lớn lên chị lại gửi con cho bà ngoại vào Nam đi làm thuê vừa kiếm tiền nuôi con vừa tìm bố của những đứa trẻ. Nhưng bố của hai đứa con đầu tìm không ra mà chị lại nảy sinh tình cảm với một người đàn ông khác và mang bầu đứa con thứ ba cháu Mai Nguyễn Bảo Nhi (SN 2011). Cũng như người đàn ông đầu một lần nữa chị bị bỏ rơi khi bụng mang dạ chửa về nhà sinh con mà đứa trẻ không có bố.
Hay như trường hợp của chị Trần Thị Khuyên (SN 1984, trú tại xóm 7, xã Nghi Đồng) hai lần vào miền Nam làm công nhân là cả hai lần chị mang hai cuộc tình chóng vánh trở về với hai đứa trẻ không bố Trần Thị Ngọc (SN 2003) và Nguyễn Hiền Yến Thảo (SN 2009). Rồi còn nhiều và còn nhiều những trưởng hợp phụ nữ mang những cuộc tình chóng vánh trong những lần tha phương cầu thực trở về sinh ra những đứa trẻ không bố ở xã đồng bằng chiêm trũng này.
Với nhiều đứa trẻ ở thành thị, nông thôn hay vùng núi xa xôi chưa nói đến vật chất nhưng để có một cái Tết sum vầy đầy tình yêu thương của bố mẹ là điều quá đỗi bình thường. Nhưng với những đứa trẻ mồ côi và không có bố tại xã Nghi Đồng điều đó là thứ quá xa xỉ hay gần như chẳng bao giờ có. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn nên những người mẹ lại gửi các em cho ông bà ngoại để lên đường xa xứ kiếm tiền gửi về nuôi các em. Không ít trong số những người phụ nữ tiếp tục xa xứ kiếm miếng cơm bát gạo đó lại có thêm một hay vài lần có những cuộc tình dang dở để rồi trở về có thêm những đứa trẻ không bố.
Như ba anh em Mai Văn Thành sinh ra không bố giờ cả Thành và người em trai kế Mai Văn Tâm đều đã bỏ học khi chưa học xong lớp 9 để vừa phụ giúp bà nuôi cô em gái út Bảo Nhi sinh ra cũng không có bố. Giờ mẹ em đang xuống làm thuê tại TP.Vinh dăm ba tháng mới về nhà một lần với những đồng tiền làm thuê góp nhặt từng cắc để nuôi các em.
Nhưng đó còn là điều may mắn không như trưởng hợp em Đặng Thị Hương (SN 2009, trú tại xóm 3, xã Nghi Đồng) khi sinh ra chẳng biết bố mình là ai từ cuộc tình khi mẹ đi làm công nhân miền Nam trở về. Khổ cho em hơn khi miệng chưa hết mùi sữa thì mẹ của em đã bỏ lại em cho ông bà ngoại bỏ đi biệt xứ không có tung tích. Khi chúng tôi đến gặp em ông ngoại Đặng Xuân Hòa đang ngồi vót tre làm cho em chiếc đèn chuẩn bị đón Noel.
“Mẹ nó đi miền Nam làm công nhân được thời gian trở về bụng mang dạ chửa sinh ra nó mà chẳng biết mặt mũi bố là ai. Sinh con ra nó chưa kịp hết khát sữa mẹ nó đã bỏ lại đó cho ông bà ngoại rồi bỏ đi biệt xứ cho đến nay. Thương số phận hẩm hiu mà nó mang phải nên cứ đến ngày tết hay sinh nhật tôi đều tự làm một vài món quà nhỏ cho cháu nó chơi với bạn bè vơi bớt đi số phận của nó đang mang”, ông Hòa ngậm ngùi nói.
Éo le hơn cả là trường hợp cháu Cao Văn Tuấn (SN 2003, trú tại xóm 3, xã Nghi Đồng) sinh ra không biết bố đến năm 2016, em lại mất nốt người mẹ khi mẹ cháu chị Vũ Thị Yên bị bệnh đột tử qua đời. Giờ đây em phải sống cùng bà ngoại đã gần 80 tuổi và người cậu ruột bị thiểu năng trí tuệ. Em đã nhiều lần xin nghỉ học ở nhà phụ bà nuôi cậu nhưng người bà già yếu của em một mực không chịu.
“Hàng năm các đợt dịp lễ tết địa phương đều có cách phần quà đến các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp nên chủ yếu là các phần quà động viên là chính. Chỉ mong sao cuộc sống của các em được xã hội, các đơn vị, cá nhân quan tâm giúp đỡ để tương lai các em bớt u ám hơn. Nhất là với các bé gái để các em đừng bao giờ dẫm phải vết xe đổ của mẹ các em đã mắc phải…”, bà Đậu Thị Loan giãi bày.
Cuộc sống như thế, đời sống vật chất và tinh thần như vậy nên với những đứa trẻ mồ côi bố và không có bố tại xã Nghi Đồng một cái tết đoàn viên cả gia đình đầy đủ tình yêu thương chia sẻ có lẽ là món quà lớn nhất các em cần mà sẽ chẳng bao giờ nhận được.
Theo Dân trí
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tet-cua-nhung-dua-tre-o-xa-khong-chong-a4874.html