Cuối tháng 5, nỗi đau bao trùm khu dân cư xóm Bằng và xóm Khao Chạ, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Mới buổi sáng, các em vẫn còn gọi nhau đi chơi. Vậy nhưng buổi chiều, tin dữ đã lan nhanh khắp xóm. Một em trượt chân rơi vào vùng nước xoáy bị nước cuốn ra xa, 3 em trong nhóm thấy vậy lao ra cứu nhưng cũng bị nước cuốn theo, cả 4 đứa trẻ mới sinh từ năm 2006 đến năm 2010.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong 6 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra gần chục vụ tai nạn đuối nước, trong đó các nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Tại Việt Nam, dù có lượng sông hồ tương đối nhiều nhưng nhận thức của phụ huynh và cộng đồng về nguy cơ tai nạn đuối nước còn hạn chế. Chưa kể, nhiều trẻ em chưa được giáo dục đầy đủ về phòng chống đuối nước và trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Trước mối lo ngại chung này của toàn cầu, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã thông qua Nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu.
Còn trong nước, ngày 19/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước. Những can thiệp dựa trên bằng chứng như đào tạo dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước sẽ được áp dụng triển khai trên toàn quốc.
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Từ thiện Bloomberg và sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh, nơi có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất trên toàn quốc.
Đình Quân
https://vtv.vn/xa-hoi/phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-can-trang-bi-ky-nang-an-toan-20210725130246907.htm
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-can-trang-bi-ky-nang-an-toan-a448.html