“Hiến máu cứu người - đừng ngại COVID-19”: Sau khi hiến máu, cần bao lâu để thực hiện lại?

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi “Hiến máu cứu người - đừng ngại COVID-19” trong bối cảnh dịch tái bùng phát gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận máu.


Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu thăm hỏi, động viên người hiến máu.

 

Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị của các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc. Lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và nhiều trung tâm máu đang giảm mạnh do không có nguồn người hiến máu. Nguy cơ thiếu hụt máu phục vụ cho người bệnh xảy ra tại nhiều nơi trên toàn quốc và đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phía Bắc.
Để hỗ trợ người bệnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã phát đi lời kêu gọi “Hiến máu cứu người - đừng ngại COVID-19”. Vậy, một người có thể hiến được bao nhiêu lít máu và cần bao lâu trước khi thực hiện một lần hiến máu khác?
Cụ thể, những người mắc bệnh lây nhiễm, HIV, phụ nữ mới sinh con, người thiếu máu... được khuyến cáo không nên hiến máu. Người hiến máu cần đạt đủ điều kiện theo yêu cầu mới được hiến.
Theo Tổ chức Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, lượng máu tiêu chuẩn mà một người sẽ cho trong một lần hiến máu là 450ml. Đây là khoảng 10% lượng máu trong cơ thể và bạn vẫn sẽ an toàn nếu mất ngần đó máu. Huyết tương thường được bổ sung trong vòng 24 giờ, trong khi các tế bào hồng cầu trở lại mức bình thường trong vòng 4 đến 6 tuần sau khi hiến máu.
Đây là lý do chúng ta phải chờ đợi cho các lần hiến máu tiếp theo. Thời gian chờ đợi giúp bảo đảm rằng cơ thể người hiến máu có đủ thời gian để bổ sung huyết tương, tiểu cầu và hồng cầu trước khi thực hiện một lần hiến tặng khác.
Hiến máu được chia làm các loại: Hiến máu toàn phần (là loại hiến máu phổ biến nhất), hiến tế bào hồng cầu (còn được gọi là hiến hồng cầu kép), hiến tiểu cầu và hiến huyết tương.
- Hiến máu toàn phần là cách hiến tặng linh hoạt và dễ dàng nhất. Máu toàn phần chứa các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, tất cả đều lơ lửng trong một chất lỏng gọi là huyết tương. Hầu hết mọi người có thể hiến máu toàn phần 56 ngày một lần.
- Để hiến tặng các tế bào hồng cầu - thành phần máu quan trọng được sử dụng để truyền các sản phẩm máu trong các cuộc phẫu thuật - hầu hết mọi người phải đợi 112 ngày giữa các lần hiến. Loại hiến máu này không được thực hiện nhiều hơn 3 lần một năm. Nam giới dưới 18 tuổi chỉ có thể hiến hồng cầu 2 lần một năm.
- Tiểu cầu là tế bào giúp hình thành cục máu đông và kiểm soát chảy máu. Mọi người thường có thể hiến tiểu cầu 7 ngày một lần, tối đa 24 lần một năm.
- Việc hiến tặng huyết tương thường có thể được thực hiện 28 ngày một lần, tối đa 13 lần một năm.
Một số địa điểm hiến máu tại Hà Nội:
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: tại tầng 2, Khoa Tiếp nhận máu (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).
Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: từ 8h - 12h và 13h30 - 17h từ thứ 2 đến thứ 7.
-26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm.
-132 Quan Nhân, Thanh Xuân.
-Số 10, Ngõ 122 Đường Láng, Đống Đa.
Minh Đức
https://vtv.vn/xa-hoi/hien-mau-cuu-nguoi-dung-ngai-covid-19-sau-khi-hien-mau-can-bao-lau-de-thuc-hien-lai-20210526005500454.htm

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/hien-mau-cuu-nguoi-dung-ngai-covid-19-sau-khi-hien-mau-can-bao-lau-de-thuc-hien-lai-a361.html