Tiền Giang: Tập trung giải quyết nhà ở cho công nhân

Tỉnh Tiền Giang đang đứng trước cơ hội trở thành một trong số ít địa phương đầu tiên trong cả nước giải quyết cơ bản chuyện nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung.

Trước thông tin ông Phạm Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông Thuỷ Sản Xuất khẩu Thuận Phong (Công ty TNHH Thuận Phong) khóc tại buổi tiếp xúc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang với doanh nghiệp ngày 29/4 để kêu về việc xin được cấp hoặc thuê 1,949 ha đất xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: Tiền Giang khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng phải phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng, minh bạch.

tien-giang-tap-trung-giai-quyet-nha-o-cho-cong-nhan (2)
Phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân của tỉnh Tiền Giang.

Ngày 30/9/2014, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 2376/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trên khu đất thuộc Kho 302/Cục kỹ thuật Quân khu 9 tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho. Sau đó, ngày 23/11/2016, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Trung An, TP. Mỹ Tho, trong đó bố trí 3,11 ha để xây dựng chung cư - nhà ở xã hội.

Nhu cầu lớn

Ngày 12/02/2017, Công ty TNHH Thuận Phong có Đơn xin cấp hoặc thuê đất xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân của công ty, trong đó đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang xem xét phê duyệt chủ trương cấp hoặc cho thuê 1,949 ha đất tại Khu dân cư Trung An để xây dựng nhà ở cho công nhân của công ty.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và có Văn bản số 265/TLĐ ngày 07/3/2017 về việc giới thiệu địa điểm và cấp đất xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 13/7/2016 của Văn phòng Chính phủ. Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017, diện tích đất mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị là 2,0 ha. Còn lại 1,11 ha, UBND tỉnh sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư.

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nội dung nổi bật của Đề án này là mô hình nhà ở, với 2 dạng bán hoặc cho thuê. Trong đó, nhà ở diện tích 32 m2/căn, giá bán khoảng 100 triệu đồng, bán theo hình thức trả tiền toàn bộ khi nhận được nhà hoặc trả góp tối đa trong 10 năm. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng quy chế, quy chuẩn đối với những người được mua nhà và giám sát chặt chẽ để tránh đầu cơ, trục lợi. Tổng mức đầu tư của dự án sẽ triển khai tại tỉnh Tiền Giang là 310 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 3 ha, gồm các hạng mục nhà ở, nhà trẻ, siêu thị công đoàn, các công trình văn hóa, thể thao… Trong đó, về nhà ở sẽ có 17 block nhà, với 952 căn, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 4.088 đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động. Thời gian thực hiện giai đoạn năm 2017 đến năm 2020.

Hiện tại, UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất về chủ trương đầu tư dự án và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, vì nhu cầu của công nhân rất lớn.

Đối với đề nghị của Công ty TNHH Thuận Phong, ngày 21/4/2017, UBND tỉnh Tiền Giang có Công văn số 1715/UBND-KT do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ký, giao UBND TP. Mỹ Tho chủ trì phối hợp cùng các ngành mời làm việc trực tiếp với công ty về chủ trương giao 1,1 ha đất kể trên xây dựng nhà ở công nhân.

Tại biên bản làm việc giữa Công ty TNHH Thuận Phong với UBND TP. Mỹ Tho ngày 28/4/2017 về việc xin giao đất để xây dựng nhà ở cho công nhân ghi rõ: “Thành phố ủng hộ Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông Thuỷ Sản Xuất khẩu Thuận Phong xây dựng nhà ở, tuy nhiên hiện nay theo quy hoạch được điều chỉnh thì Khu dân cư Trung An chỉ còn 1,1 ha quy hoạch nhà ở chung cư, đề nghị công ty tiếp nhận để thực hiện công trình nhà ở cho công nhân.”

Gỡ khó cùng doanh nghiệp

Ông Huỳnh Hữu Quyền, Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang cho biết: Các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm và nỗ lực giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp nói chung và Công ty TNHH Thuận Phong nói riêng. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, việc Công ty TNHH Thuận Phong đề nghị cấp hoặc thuê đất xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân của công ty không nằm trong các hình thức phát triển nhà ở xã hội và chưa có tiền lệ tại địa phương. Vì vậy, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang đã xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.

Tại văn bản số 145/BXD- QLN, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh trả lời: Liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách (trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất), theo quỵ định tại điểm a Khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo quy định như sau: “Trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư hoặc chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư”.

Cụ thể đối với Công ty TNHH Thuận Phong, văn bản này nêu rõ: Ngày 29/4/2017, đại diện công ty đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang giao 1,949 ha đất tại Khu dân cư Trung An để xây dựng nhà ở cho công nhân của công ty, nhiều hơn 0,839 ha so với diện tích đất còn lại để xây dựng nhà ở xã hội (1,11ha). Căn cứ vào văn bản của Sở Xây dựng Tiền Giang và các quy định nêu trên, trường hợp công ty xin giao hoặc thuê 1,11ha diện tích đất còn lại của Khu dân cư Trung An để đầu tư xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân của công ty thì liên hệ với UBND tỉnh Tiền Giang để được giao đất, cho thuê đất và chỉ định làm chủ đầu tư nếu không có nhà đầu tư khác đăng ký làm chủ đầu tư; trường hợp nhà đầu tư khác cũng đăng ký làm chủ đầu tư thì phải thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo ông Mai Văn Nước, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thuận Phong: Nhu cầu của Công ty cần ít nhất 1,9 ha đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng hiện nay Khu dân cư Trung An chỉ còn 1,1 ha đất; do đó, Công ty không đồng ý nhận vì không đảm bảo diện tích theo bản vẽ thiết kế mô hình mẫu nhà ở công nhân mà công ty thực hiện.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: “Đề nghị xem xét phê duyệt chủ trương xin cấp hoặc cho thuê 1,949 ha để xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân thể hiện nhu cầu, mong muốn từ phía Công ty TNHH Thuận Phong. Trên thực tế, Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Trung An, TP. Mỹ Tho chỉ còn 1,1 ha dành cho xây dựng chung cư - nhà ở xã hội. Việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp phải căn cứ vào quy hoạch, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tôi khẳng định chính quyền tỉnh Tiền Giang luôn có trách nhiệm và không bao giờ vô cảm trước kiến nghị của doanh nghiệp”.

Chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Những năm gần đây, rất nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng đã được tỉnh Tiền Giang ban hành, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở trong lĩnh vực này. HĐND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định  hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, chỉ tiêu giai đoạn 2015- 2020 xây dựng khoảng 8.195 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 40% số công nhân; giai đoạn 2021- 2030 xây dựng khoảng 17.639 căn nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 60% số công nhân. Đồng thời, quy định khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung trên địa bàn phải xác định và bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới không phân biệt quy mô diện tích tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành tối thiểu 20% tổng diện tích đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng xã hội phải là một trong các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Chủ trương của tỉnh là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu đã đề ra”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, một số doanh nghiệp đã dùng kinh phí của doanh nghiệp tự mua đất để xây dựng nhà ở cho công nhân như Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, Công ty Cổ phần Hùng Vương, Công ty Cổ phần Gò Đàng, Công ty TNHH Long Uyên…. Hiện nay, ngoài dự án được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện đầu tư theo chủ trương của Chính phủ, tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như dự án của Công ty Cổ phân Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đang triển khai xây dựng 2.792 căn trên diện tích 6 ha nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho công nhân lao động.

“Chúng tôi luôn lắng nghe, nỗ lực đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhưng cũng mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần của công nhân. Vì sự phát triển chung của Tiền Giang.”- ông Tuấn khẳng định.

 

PV

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tien-giang-tap-trung-giai-quyet-nha-o-cho-cong-nhan-a3583.html