Đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo báo cáo tổng hợp tình hình xâm hại, bạo lực của Phòng LĐ-TB&XH 24 quận, huyện tại TP.HCM, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 trên toàn thành phố xảy ra hơn 100 trường hợp xâm hại, bạo lực,…trẻ em.

Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em” do Hội Bảo trợ Trẻ em TP.HCM phối hợp với tổ chức Terre des Hommes FR Germany tổ chức vào sáng nay (16/6).

dau-tranh-phong-chong-xam-hai-tre-em
Toàn cảnh Hội thảo.

Trên thực tế, số lượng trẻ em bị xâm hại còn rất nhiều vụ việc xảy ra chưa dược các cơ quan chức năng phát hiện, giải quyết kịp thời do nhiều gia đình biết nhưng không hợp tác tố giác tội phạm, các nạn nhân và gia đình không hợp tác, không khai báo kịp thời hoặc tự giải quyết, thương lượng một số sự việc. Chỉ đến khi hai bên không thương lượng được mới đưa ra chính quyền can thiệp, dẫn đến việc thu nhập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, bà Trần Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ–TB & XH TP.HCM nhận định: “Việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em chỉ mới thực hiện công tác tuyên truyền cho phụ nữ và trẻ em, cần phải tập trung vào đối tượng gây ra chứ không chỉ cho những đối tượng bị ảnh hưởng. Vì thế, cần xây dựng một chuyên đề tuyên truyền dành riêng cho nam giới”.

            Góp tiếng nói trong buổi tham luận, ông Phạm Đình Nghinh – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TP.HCM kiến nghị: “Các tổ chức xã hội về trẻ em và các quan ban ngành cần tập huấn và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em ở từng cơ sở, địa phương. Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện các cuộc giao ban kết nối mạng lưới cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Qua đó, nhằm tăng cường công tác kết nối, vận động nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.”

Ngọc Tú

Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/dau-tranh-phong-chong-xam-hai-tre-em-a3565.html