Để đánh giá những ảnh hưởng của các hệ thống đập lớn trên lưu vực sông Hồng đối với vùng hạ lưu và phụ cận, mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu sự thay đổi trầm tích hạ lưu sông Hồng do ảnh hưởng của các đập lớn trên lưu vực” (mã số: VAST05.01/20-21).
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, sông Hồng là con sông lớn thứ hai ở Việt Nam chỉ sau sông Mekong, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội của người Việt. Việc xây dựng các con đập trên lưu vực sông Hồng đã tạo ra các lợi ích xã hội tích cực nhưng cũng làm thay đổi cân bằng tự nhiên của dòng chảy trầm tích trong sông. Hồ chứa lưu giữ nhiều trầm tích sông làm cản trở lưu thông dòng chảy liên tục và làm giảm sự luân chuyển trầm tích từ đất liền vào đại dương, dẫn đến mất cân bằng giữa các quá trình trong sông và các quá trình ngoài biển. Điều này có thể gây ra sự biến đổi về môi trường lắng đọng trầm tích ở vùng cửa sông và ven bờ châu thổ sông Hồng.
Trước thực tế trên, các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã xây dựng mô hình cân bằng khối lượng trầm tích cho vùng hạ lưu ven bờ châu thổ sông Hồng dựa trên sự ước lượng nguồn trầm tích đầu vào và lượng trầm tích đã được lắng đọng trong khu vực. Qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết các vật chất dạng hạt của sông Hồng đều được tích tụ ở gần cửa vùng hạ lưu. Trong điều kiện hiện nay, sự thô hóa bề mặt trầm tích ở phần ven bờ phía Bắc châu thổ là do hệ quả của việc suy giảm nguồn cung cấp trầm tích sông Hồng và dòng chảy dọc bờ về phía Nam châu thổ chiếm ưu thế.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh, xu thế lắng đọng trầm tích vùng hạ lưu ven bờ châu thổ sông Hồng vẫn đóng vai trò chủ đạo mặc dù nguồn cung cấp trầm tích cho đồng bằng sông Hồng và vùng ven bờ châu thổ của nó có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, xu thế lắng đọng trầm tích ở các vùng cửa sông ven bờ châu thổ có sự khác biệt rất rõ ràng.
Do vậy, nhóm nghiên cứu đã áp dụng mô hình 1D (mô hình ban đầu phân tích xu hướng kích thước hạt) có sửa đổi để sử dụng trong môi trường biển nông; áp dụng mô hình EMMA (phương pháp thống kê để tách rời các chế độ vận chuyển cơ bản) để tìm hiểu sự tương tác vật lý giữa các quá trình trong sông Bạch Đằng, nơi có hệ thống cảng biển lớn nhất ở miền Bắc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với vùng cửa sông Ba Lạt, nơi sóng chiếm ưu thế, tốc độ lắng đọng trầm tích có xu hướng giảm dần theo thời gian do tác động của các đập lớn trên lưu vực. Ngược lại, đối với vùng cửa sông Bạch Đằng, nơi thủy triều chiếm ưu thế, các trầm tích hạt mịn có xu hướng di chuyển và tích tụ phía trong sông hơn là ở phía ngoài cửa sông.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Anh đánh giá, mặc dù việc xây dựng các con đập trên lưu vực sông Hồng mang lại nhiều lợi ích to lớn về mặt kinh tế - xã hội nhưng cũng có tác động không nhỏ đến môi trường vùng hạ lưu; điển hình là hiện tượng sa bồi luồng tàu vào cảng Hải Phòng. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần mở cửa liên thông thường xuyên giữa các cống của đầm nuôi thủy sản được tạo ra trong quá trình quai đê lấn biển, từ đó, gia tăng không gian phân tán trầm tích lơ lửng trong vùng cửa sông, giúp giảm thiểu bồi lắng luồng lạch.
Diệu Thúy (TTXVN)
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/nguy-co-bien-doi-moi-truong-tu-lang-dong-tram-tich-vung-ha-luu-song-hong-a35617.html