Nhập viện vì tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng
Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông (Nghệ An) đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị suy gan cấp do sử dụng thực phẩm chức năng làm đẹp không rõ nguồn gốc. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 20 lần bình thường, mắc hội chứng vàng da, kèm chán ăn, mệt mỏi.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận chị V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến khám trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi... Chị T. cho biết, do có bệnh vảy nến, nên đã mua thực phẩm chức năng để dùng, sau khoảng 5 - 7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Chị gọi điện cho người bán thắc mắc về những biểu hiện lạ khi dùng loại thực phẩm chức năng này, thì nhận được câu trả lời là “đang phát huy tác dụng thải độc tố”, nên tiếp tục sử dụng.
Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T. được người nhà đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán, chị bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng tiếp nhận trường hợp hai anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng bị nôn, đau bụng nhiều. Gia đình cho biết, hằng ngày đều đặn cho hai bé uống vitamin D từ sau sinh.
Thấy hai bé thích uống và nghĩ rằng vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao, nên thay vì cho uống theo liều lượng quy định, gia đình để hai bé uống tùy thích. Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, hai bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8 - 9 lần/ngày.
Kết quả thăm khám cho thấy cả hai bé đều bị tăng canxi máu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, có dấu hiệu suy thận cấp, được chẩn đoán ngộ độc vitamin D và suy thận cấp do dùng quá liều vitamin D thời gian dài.
Thực phẩm chức năng là con dao 2 lưỡi
Theo các chuyên gia y tế, chỉ cần sử dụng mức khoáng chất gấp 5 lần so với lượng khuyến nghị hằng ngày (RDI), kẽm, sắt, crom và selen có thể gây ra tác động tiêu cực đối với cơ thể. Vì việc tiêu thụ khoáng chất ở mức gấp 5 lần RDI có thể vượt quá khả năng chấp nhận và xử lý của cơ thể. Điều này dẫn đến sự tích tụ không mong muốn của các khoáng chất trong cơ thể, gây nguy hiểm cho sức khỏe, từ rối loạn tiêu hóa đến các vấn đề nghiêm trọng như tử vong.
Việc sử dụng lượng lớn fluoride, đặc biệt ở trẻ em, không chỉ gây mờ mắt, mà còn làm suy yếu răng, gây ra các vấn đề liên quan nướu và răng. Tiêu thụ lượng lớn dầu cá có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, tăng nguy cơ về máu và tim mạch. Ngoài ra, ngộ độc sắt cũng rất phổ biến. Ngay cả một lượng nhỏ vượt quá RDI cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, phân đen. Độc tính nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.
Chưa kể, trên thị trường hiện nay còn có những thực phẩm chức năng trộn chất cấm. Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian qua, cơ sở ghi nhận nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng trộn những loại chất độc hại bị cấm sử dụng, hoặc trộn những chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng không đảm bảo.
Trung tâm đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, trong đó có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não và phải cấp cứu điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy, những loại sản phẩm này có chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein... Thậm chí, có những chất chỉ được phép có trong thuốc, nhưng lại được cho vào thực phẩm chức năng, người bệnh uống phải những chất này rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng.
Vì vậy, người dân cần có sự tư vấn của bác sĩ khi sử dụng thực phẩm chức năng, không nên tự ý sử dụng. Đặc biệt, việc sử dụng những loại thực phẩm chức năng không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng là con dao 2 lưỡi, trước khi sử dụng phải xem cơ thể có cần thiết phải bổ sung hay không. Bởi, cơ thể mỗi người khác nhau, việc dung nạp thuốc cũng khác nhau. Người có bệnh lý nền về gan, thận mà dùng thực phẩm chức năng không đúng, sẽ gây suy gan, suy thận...
Bác sĩ Trần Nam Chung, Phó trưởng khoa Khoa Xương khớp (Bệnh viện E) chia sẻ, thực phẩm chức năng có tác dụng trong quá trình hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh xương khớp. Trong một số trường hợp, để hỗ trợ quá trình điều trị xương khớp, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thêm thực phẩm chức năng. Ví dụ, với một số trường hợp loãng xương, người bệnh có thể bị thiếu canxi, vitamin D, thì có thể uống thực phẩm chức năng.
Người dân cũng có thể sử dụng thực phẩm chức năng về xương khớp để phòng bệnh, tuy nhiên, vì thực phẩm chức năng cần uống trong thời gian dài, nên bác sĩ Trần Nam Chung lưu ý, người dân nên tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế để lựa chọn loại thực phẩm chức năng phù hợp với sức khỏe, tránh tình trạng uống quá sớm hay quá muộn, thì khi đó, thực phẩm chức năng sẽ không phát huy được hiệu quả, thậm chí tiền mất, tật mang.
Tùy từng thể trạng của bệnh nhân, quá trình điều trị và loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng, các bác sĩ sẽ lựa chọn cho bệnh nhân uống loại thực phẩm chức năng xương khớp phù hợp. Đó là lý do mà người bệnh không nên mua thực phẩm chức năng uống theo kinh nghiệm “truyền miệng” hay quảng cáo.
Thúy Hằng
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/tuy-tien-su-dung-thuc-pham-chuc-nang-rat-nguy-hiem-cho-suc-khoe-a35580.html