35 tuổi, Trịnh Văn Hà là ông chủ nuôi cá lồng trẻ tuổi nhất khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Hà cũng là người sở hữu số lồng cá đặc sản lớn nhất nơi đây.
Tôi hỏi: "Để có tài sản lớn như thế, Hà được gia đình hỗ trợ nhiều không?". Anh cười hiền đáp: “Có chứ, đó là mẹ tôi, người cả đời vất vả tảo tần nuôi anh em tôi khôn lớn. Bà còn sẵn sàng mang cả bìa đỏ của gia đình giúp tôi thực hiện ước mơ”.
Hà khởi nghiệp từ năm 2017, với 4 lồng cá. Bố mất sớm, một mình mẹ Hà nuôi 2 anh em khôn lớn. Sự thiếu thốn tình cảm của người cha khiến anh tự lập từ nhỏ và luôn có ý chí khát vọng vươn lên mãnh liệt.
Khi mới khởi nghiệp, Hà làm những lồng cá bằng gỗ từ kinh nghiệm làm trang trại chăn nuôi những ngày ở trên cạn. Lại thêm kinh nghiệm của một ông chủ đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho cá nhiều năm nên Hà rất thuận lợi trong việc hỏi tư vấn quy trình chăm sóc cá từ các mối quen. Năm 2021, dịch Covid-19 dần lắng xuống, giá cá tăng cao, Hà thu về những cọc tiền cao gấp mấy lần số tiền đã vay của ngân hàng. Anh lấy tiền đó mở rộng quy mô lồng nuôi. Từ 4 lồng cá ban đầu, giờ đã tăng lên 15 lần. Mỗi lồng cá có giá trị trung bình khoảng 100 triệu đồng, như vậy Hà sở hữu khối tài sản hơn 6 tỷ đồng.
Chính ý chí và nghị lực ấy đã khiến chàng trai trẻ của miền sơn cước dám tiên phong nuôi cá tầm, loài cá còn rất lạ lẫm với cả những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Thế mà anh vẫn quyết tâm, và thành công.
Trịnh Văn Hà chia sẻ, trước kia, tại huyện Na Hang, mô hình nuôi cá tầm đã được triển khai thực hiện. Nhưng do nhiệt độ không thích hợp nên nhiều mô hình, ước mơ còn dang dở và phải nằm sâu dưới lòng hồ. Năm 2023, sau thời gian nghiên cứu về nhiệt độ nước, thổ nhưỡng, các điều kiện tự nhiên, anh triển khai mô hình nuôi cá lồng nơi hạ lưu con sông. Bởi, tại khu vực này, dòng nước quanh năm mát lạnh, nhiệt độ ổn định từ 20 đến 26 độ C, là môi trường sống lý tưởng để loài cá nước lạnh ấy sinh sống.
Ngoài vốn liếng đã tích lũy bao năm, vợ chồng Hà còn vay thêm hơn 1 tỷ đồng tiền ngân hàng để đầu tư nuôi 40 lồng cá tầm, quyết tâm đánh cược với sông nước. Anh cho biết, so với các loài cá khác thì cá tầm cũng có những đặc tính riêng. Nó là loài cá ăn chìm, khó quan sát được bằng mắt thường. Vì vậy, để quan sát tình trạng sức khỏe của đàn, Hà thường phải sử dụng camera để theo dõi.
Do lựa chọn cá giống đạt từ 500 đến 600g mỗi con, nên sau gần 1 năm nuôi, các lồng cá đã đạt trọng lượng và xuất bán thương phẩm. Lứa đầu tiên, anh xuất bán 3 tấn, với giá tới 300.000 đồng/kg, Hà thu về khoảng 900 triệu đồng.
Hiện nay, toàn huyện Na Hang có 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 96 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện với trên 1.288 lồng nuôi. Tổng thể tích nuôi là 261.700m3, tổng sản lượng hằng năm đạt khoảng 2.197 tấn.
Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam là đơn vị nuôi cá đặc sản có tiếng trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Hiện nay, công ty có 40 lồng cá đặc sản. Ngoài cá tươi sống, công ty còn xuất ra thị trường các sản phẩm cá đã qua chế biến như chả cá, cá phi lê, cá lăng chiên xù…
Cùng với những lồng cá hiện có, công ty đang liên kết với 10 hộ dân đầu tư lồng bè để phát triển chăn nuôi các loại cá đặc sản theo quy trình an toàn như cá quả, cá lăng, cá bỗng... Theo hợp đồng thì sau khi cá đến tuổi xuất bán, công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm để tiêu thụ cho các hộ dân. Liên kết nuôi cá theo quy trình cá sạch, công ty giảm bớt chi phí đầu tư cũng như quản lý mà vẫn tạo ra được lượng sản phẩm đủ để cung ứng cho thị trường.
Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn cá đặc sản do công ty nuôi và khoảng 50 tấn cá liên kết với các hộ dân. Công ty đã xây dựng được 4 sản phẩm thủy sản công nhận đạt sao OCOP, gồm 2 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao.
Ông Vi Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, mới đây công ty đã liên kết với 1 doanh nghiệp tại Hà Nội nuôi cá mè thương phẩm. Tổng số lồng cá mè được nuôi là 140 lồng. Số lồng cá này được nuôi theo quy trình kỹ thuật của đối tác đề ra nhằm hướng tới thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Na Hang cho biết, những năm qua, ngành thủy sản của huyện Na Hang phát triển rất tốt. Phát huy lợi thế, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản, nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2030.
Cá nuôi lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang có nhiều ưu điểm, như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.
Huyện Na Hang đã có 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng thể tích nuôi được chứng nhận là 7.978m3, sản lượng 369,5 tấn/năm. Ngoài nuôi cá đặc sản truyền thống nổi bật trên lòng hồ như lăng, chiên, bỗng, quất… một số đơn vị đã ứng dụng thử nghiệm mô hình nuôi trai lấy ngọc, nuôi cá tầm nước lạnh, nuôi cá chình… Trong đó, mô hình nuôi cá tầm đã bước đầu thành công, cho hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy lợi thế, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thủy sản tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.
Link nội dung: https://nhandaoonline.vn/muu-sinh-tren-long-ho-hung-vi-nhung-ong-chu-lon-cua-long-ho-a35549.html