Cuộc gặp mặt được diễn ra tại Nhà Quốc hội vào chiều ngày 14/6, nơi làm việc của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tham dự cuộc gặp mặt có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản.
Cùng dự có: Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Bùi Thị Hòa; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Trưởng ban Ban Tổ chức Tôn vinh Người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024 Nguyễn Hải Anh và lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...
Báo cáo kết quả công tác hiến máu tình nguyện và các hoạt động tôn vinh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, cho biết trải qua 30 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan từ Trung ương đến địa phương; sự chung sức, đồng lòng của các thế hệ cán bộ nhân viên ngành y tế, Hội Chữ thập Đỏ, các tình nguyện viên, phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam đã vươn mình lớn lên và phát triển từng ngày, từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiếp nhận trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, ba thập kỷ qua thực sự là cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay đã được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…
Trong 100 đại biểu tiêu biểu hôm nay, có 9 đại biểu đã hiến máu từ 20-29 lần, 53 đại biểu đã hiến máu từ 30-49 lần, 26 đại biểu đã hiến từ 50-69 lần, 7 đại biểu đã hiến từ 70-99 lần, 2 đại biểu hiến máu trên 100 lần. Ngoài việc tham gia hiến máu tình nguyện, các đại biểu còn tích cực tuyên truyền vận động cộng đồng và gia đình tham gia hiến máu tình nguyện.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ xúc động và trân trọng cảm ơn những tấm gương hiến máu về dự cuộc gặp mặt hôm nay, đại diện cho hàng triệu người hiến máu tình nguyện trong cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt biểu dương toàn thể những người tình nguyện hiến máu trong cả nước, cảm ơn những tấm lòng nhân ái, đầy tình yêu thương trong cộng đồng.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao vai trò tham mưu của Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; hoạt động của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã phối hợp với các đơn vị cùng gây dựng, duy trì và phát triển được phong trào hiến máu tình nguyện đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương và góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong việc hiến máu tình nguyện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.
"Cùng với sự thay đổi về cơ cấu dân số, những tiến bộ trong y học, cũng như trong ngành huyết học, truyền máu, các cơ quan, tổ chức có liên quan phải xây dựng các giải pháp duy trì và phát triển nguồn người hiến máu thường xuyên, người hiến máu nhắc lại để hoạt động hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, bền vững hơn, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng ở các tuyến, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn dân về sự cần thiết của việc hiến máu để đảm bảo sẵn có máu và chế phẩm máu chất lượng, an toàn; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, động viên, khích lệ người hiến máu, đơn vị tổ chức hiến máu. Các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc tích cực hơn nữa để lan tỏa những tấm gương hiến máu tiêu biểu trong cộng đồng.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần chú trọng việc ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý hoạt động hiến máu; kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.
Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền máu, đến người hiến máu, để kiến nghị với Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo thẩm quyền, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng những tấm gương hiến máu tiêu biểu cùng hàng triệu người hiến máu tình nguyện trên cả nước sẽ tiếp tục phát huy tinh thần nhân ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chia sẻ những giọt máu của mình vì cộng đồng, xã hội. Đồng thời, đây cũng là những hạt nhân nòng cốt, những tuyên truyền viên tích cực, cùng nhau lan tỏa tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện.
L.Hằng